'Mở lon Việt Nam' là phản cảm: Có quá suy diễn?

29/06/2019 20:44 GMT+7

Giới trẻ cũng có những góc nhìn khác nhau xung quanh việc slogan quảng cáo 'Mở lon Việt Nam' bị phạt vì phản cảm. Nhiều người cho là suy diễn nhưng cũng có người nói không chấp nhận cách diễn đạt lấp lửng.

“Vì nghĩ đen tối nên mới phản cảm”

Vừa đọc được thông tin slogan “Mở lon Việt Nam” bị dỡ và bị phạt 25 triệu đồng, Hồ Hữu Quang (người mẫu tự do tại TP.HCM) bày tỏ: “Thấy vô lý hết sức. Cái gì mà thiếu thẩm mỹ, thiếu thuần phong mỹ tục của người Việt? Mình chẳng hiểu được. Rồi cái gì mà nếu thêm dấu vào thì sẽ thành thế này, thành thế kia, chẳng lẽ chữ nào viết ra cũng suy diễn theo kiểu thêm dấu như vậy thì còn nói làm gì nữa”.

 


Anh Quang nói thêm: “Nghĩ đen tối nên mới phản cảm, chứ cứ nghĩ bình thường đi, 'Mở lon Việt Nam' chỉ đơn giản là mở lon thôi, sao phải suy diễn đến chuyện thêm dấu vào”.

 

Còn Huỳnh Thị Ngọc Thảo (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì bày tỏ: “Sao lại suy diễn theo kiểu đó được. Chẳng lẽ bây giờ cái gì động đến chữ lon đều không được hết. Dù nói rằng cụm từ 'lon Việt Nam' là không có nghĩa, nhưng cũng nên nghĩ theo hướng là những slogan cần phải tinh gọn chữ thì mới gãy gọn và dễ nhớ. Nói chung mình thấy quan điểm cho rằng phản cảm là không đúng”.

Còn anh chàng Đặng Nguyễn Anh Phong (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) thì hài hước nói: “Người ta bán lon mà không mở lon thì mở cái gì? Mà mình thấy có dấu rõ ràng như thế còn suy diễn được, thì nếu viết không dấu nguyên cụm từ thì sẽ suy diễn đến cỡ nào nữa. Phản cảm chỉ do suy nghĩ 'trong tối' nên mới ra chuyện phản cảm”.

Xử phạt người cố tình thêm dấu vào mới đúng?

Trần Thị Mỹ Thuyền (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng bức xúc, bày tỏ: “Em thấy có gì đâu phản cảm. Do nhiều người suy nghĩ không trong sáng thì từ nào cũng là phản cảm hết. Với lại cho em hỏi chứ nếu không dùng từ lon thì dùng từ gì bây giờ? Từ trước giờ đều dùng như vậy có sao đâu...”.

Huỳnh Kim Dung (trọ tại 96/58 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) cũng hài hước nói: “Trời, mình chẳng thấy gì và cũng chẳng nghĩ gì. Cho đến khi báo chí thông tin thì mới bắt đầu suy nghĩ. Thật tình, ngôn ngữ tiếng Việt mình mênh mông vô tận, do cách nghĩ của mỗi người mà ra hết, cứ nghĩ đơn giản đi, sao phải phức tạp hóa vấn đề làm gì ấy nhỉ”.

Còn thầy giáo trẻ Trần Bá Minh (Q.Bình Tân, TP.HCM) thì chia sẻ: “Tôi thấy cụm từ 'mở lon Việt Nam' không phản cảm và bị phạt thì không đúng. Slogan là câu nói thường thì chúng ta hay bỏ bớt chữ trong văn nói. Việc viết tắt, nói giản lược từ ngữ vẫn dễ hiểu và đâu có gì mà sai phạm. Còn về  phần chữ 'lon' được thêm mũ hoặc dấu thì cá nhân hoặc tổ chức nào cố tình thêm vào để làm mất thuần phong mỹ tục thì phải xử phạt cá nhân hoặc tổ chức đó thì mới đúng chứ. Nói tóm lại cụm từ 'mở lon Việt Nam' hoàn toàn không có gì phản cảm”.

Cách nói lấp lửng?
Lê Văn Minh, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm kỹ thuật TP.HCM nêu quan điểm: “Tôi không chấp nhận cụm từ lấp lửng như thế! Mở lon Việt Nam là lon gì? Sao họ không nói rõ ra, mà lại cứ nói lấp lửng như thế?”
Còn chị Trần Thị Trang, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng: “Tôi nghĩ cụm từ Mở lon Việt Nam đây là chiêu câu khách của nhà quảng cáo. Họ đưa ra thông điệp lấp lửng như thế để gây ra sự tranh cãi của nhiều người. Và tôi hoàn toàn không chấp nhận với cụm từ kiểu cụt, què như thế này. Đừng làm tiếng Việt của chúng ta mất đi sự trong sáng. Nhà quảng cáo khi đưa ra bất cứ thông điệp gì hãy để người khác dễ hiểu và hiểu rõ nhất”.
Ở góc độ là chủ doanh nghiệp, anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM, chỉ ra: “Cái mà các thương hiệu thường hay làm đó là lợi dụng vào scandal để làm quảng bá “. Anh Liêm cũng nói thêm: “Theo tôi, cụm từ “Mở lon Việt Nam “ hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt, đồng thời Việt Nam là tên quốc gia, chứ Việt Nam không phải là tên một loại lon gì đó.”.
Lê Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.