Nâng tầm sản vật Đà Lạt

Phạm Hữu
Phạm Hữu
01/11/2020 09:36 GMT+7

Vận dụng kinh nghiệm từ khi còn làm hướng dẫn viên du lịch , cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Hoàng Anh đã tạo dựng được chuỗi giá trị liên kết các sản phẩm du lịch kết hợp với nông nghiệp canh nông.

Chuỗi du lịch canh nông

Sau 15 năm làm việc trong ngành du lịch ở TP.HCM, Hoàng Anh quyết định trở về quê nhà Đà Lạt (Lâm Đồng) bắt đầu hành trình khởi nghiệp chuỗi sản phẩm nông nghiệp và du lịch canh nông.
Khởi điểm của Hoàng Anh là một nhà hàng nhỏ ở quê nhà. Đồng thời, cô cũng lấn sang buôn bán các sản phẩm về nông sản sạch. Nhờ lợi thế hợp tác với một người Nhật trồng dâu tây và dưa pepino ở Đà Lạt, Hoàng Anh lấy phương châm “trồng thứ gì bán thứ đó” nên hoạt động song song với kinh doanh nhà hàng.
Thời gian sau, Hoàng Anh mạnh dạn đầu tư thêm mô hình “từ vườn đến bàn ăn”. Tức là khách đến sẽ được trải nghiệm hành trình từ việc sống tại nhà người dân, khách sẽ ra vườn tự tay chăm sóc, hái rau sạch rồi mang về nhà hàng chế biến thành món ăn cho mình. Nhờ đó cô cũng tạo nên chuỗi liên kết từ nông trại, du lịch với nhà hàng đã có sẵn. Mô hình này đã tạo được sự lan tỏa, nhiều gia đình thích thú khi đến Đà Lạt. Thế là thương hiệu Hana Garden, Hana House được ra đời từ đó.
Sau khi tạo được thương hiệu riêng, thừa thắng xông lên, Hoàng Anh lại tiếp tục kế hoạch xây dựng thêm chuỗi nghỉ dưỡng kiểu nông nghiệp sinh thái dưới tán rừng - Hana Land. Với mô hình này, Hoàng Anh cũng gặt hái thành công nhất định.
Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, mô hình du lịch bị đóng băng. Dựa vào thương hiệu Đà Lạt, chuỗi mô hình đã tạo dựng và ý tưởng mới nên Hoàng Anh tìm cách tái khởi nghiệp theo kiểu tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái vườn rừng.

Tái khởi nghiệp bằng sản phẩm hữu cơ, sinh thái

Khởi đầu cho hành trình mới, Hoàng Anh muốn mang sản vật Đà Lạt lên một tầm cao hơn, có đầu tư hệ thống bài bản hơn, và giải quyết được những vấn đề mong mỏi cho người tiêu dùng và cả người nông dân như hiện nay. Sản phẩm sạch tập trung vào phân khúc từ thiên nhiên hoặc canh tác không hóa chất, giải quyết mâu thuẫn giữa kinh doanh và bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị người làm nông nghiệp. Người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, đến tận nơi cảm nhận. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành nông nghiệp và trong việc trải nghiệm mua hàng.
Những sản phẩm như: trà mâm xôi rừng, trà hoa vàng Đà Lạt, cà phê sinh thái, bột rau, sô cô la hoa và rau... Hoàng Anh cho ra đời dựa vào định hướng phát triển chung của Đà Lạt. Trong đó, Hoàng Anh phát triển song song với chuỗi kinh doanh du lịch và nông nghiệp của mình. Ngoài ra, cô còn kết nối sản xuất với những người nông dân tử tế, chuyên gia nghiên cứu khoa học ở Lâm Đồng và trong cả nước.
Để có được sản phẩm hoàn thiện từ khi trồng đến đóng gói hiện nay, Hoàng Anh đã mất 3 năm ấp ủ. Như sản phẩm trà mâm xôi rừng, với cô, đó là một hành trình dài. Từ khi trồng những cây đặc trưng Đà Lạt không thành công tại khu Hana Land, phải nhờ chuyên giá đánh giá lại tài nguyên khu sinh thái. Nửa năm gian nan tiến hành nghiên cứu, rồi kiểm tra sản phẩm, bao bì, thăm dò thị trường, cuối cùng sản phẩm cũng bán được ngoài thị trường.
“Sở dĩ tôi chọn sản phẩm trà mâm xôi rừng vì nó mọc tự nhiên trong những khu rừng nguyên sinh và không ai làm sản phẩm từ nó cả. Việc sử dụng trà này còn góp phần tạo ra kế sinh nhai cho những người đồng bào sống quanh khu rừng và giúp bảo vệ rừng đầu nguồn. Không những bán sản phẩm, tôi còn cho khách trải nghiệm mô hình thu hái trong rừng và làm ra sản phẩm của mình. Ngược lại, khách hàng nào mua sản phẩm rồi muốn biết hành trình làm ra sản phẩm như thế nào cũng sẽ được trải nghiệm. Sự khác biệt của thương hiệu Hana là vậy”, Hoàng Anh cho biết.

Một số sản phẩm từ nông nghiệp sạch của Hoàng Anh

NVCC

Tháng 11 này, Hoàng Anh sẽ khởi động lại những hoạt động du lịch của mình, với những ý tưởng mới như: “tắm rừng” trong rừng nguyên sinh, một ngày làm nông nghiệp sinh thái, hành trình trải nghiệm về cà phê Arabica… Bên cạnh đó, Hoàng Anh cũng đang xây dựng thêm mô hình trải nghiệm du lịch trực tuyến cho khách nước ngoài không có cơ hội đến Đà Lạt trong thời điểm dịch Covid-19.
Hiện tại Hoàng Anh mở rộng được 15 điểm bán hàng ở Hà Nội, Đà Lạt và nhiều tỉnh thành khác, kết hợp được cùng với nhiều đối tác chiến lược để mở rộng thị trường miền Bắc. Đã có không ít lần Hoàng Anh muốn bỏ cuộc. Những ý tưởng phải tạm dừng vì thời điểm chưa chín muồi, kinh nghiệm còn non trẻ. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách đó đã không ngăn được cô gái trẻ phải dừng lại hành trình khởi nghiệp của mình.
“Xa hơn tôi muốn khẳng định thương hiệu cao cấp với những sản phẩm độc đáo của Đà Lạt - Lâm Đồng, xuất khẩu một số mặt hàng đến một vài nơi trên thế giới”, Hoàng Anh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.