Ngày quốc tế Thiếu nhi 1.6: Khi người trẻ xin một vé được trở về tuổi thơ

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
01/06/2021 14:00 GMT+7

Một số bạn trẻ muốn sớm trưởng, rời xa vòng tay của cha mẹ nhưng khi trải qua nhiều áp lực của cuộc sống lại ao ước xin một vé được trở về tuổi thơ.

Xin 'một vé được trở về tuổi thơ' là mơ ước của một số bạn trẻ nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi 1.6 vì ở đó không có khó khăn, niềm hạnh phúc đến từ những điều đơn giản, được ở gần cha mẹ. Cũng nhân ngày này, các bạn trẻ thường chia sẻ hình ảnh lúc còn bé của mình trên mạng xã hội.

Tiếc nuối tuổi thơ đã qua

“Lên đại học, sống xa nhà, xa cha mẹ, nhiều lúc tôi cô đơn, buồn bã chẳng biết tâm sự cùng ai. Lúc đó tôi mới chợt hối tiếc là vì sao trước mình thờ ơ với cha mẹ. Giờ đây, được gần gũi với cha mẹ là một điều thật sự ý nghĩa”, Đinh Huỳnh Long (20 tuổi ngụ Q.11, TP. HCM) là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự.
Điều này khiến Huỳnh Long nhớ về tuổi thơ với những buổi đi học về, chỉ chạy ùa vào nhà xem truyền hình hoặc dán mắt vào điện thoại, mặc kệ cha mẹ đang làm gì
“Giờ đây, tôi mới nhận ra mình lãng phí cơ hội gần gũi, yêu thương cha mẹ. Khi trưởng thành, tôi bận rộn với chuyện học hành nên càng ít có thời gian với cha mẹ. Nếu may mắn có được chiếc vé về với tuổi thơ, tôi mong rằng mình sẽ yêu thương, gần gữi với cha mẹ nhiều hơn”, Huỳnh Long tâm sự.

Đinh Huỳnh Long và em gái ngày ấy và bây giờ

NVCC

Tương tự, Huỳnh Quốc Cường (20 tuổi, ngụ quận 7, TP. HCM) là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ những buổi chiều đi học về, cùng chúng bạn nghêu ngao khắp các con hẻm của khu phố, phá phách bấm chuông của một số ngôi nhà cao tầng nào đó rồi bỏ chạy. Không ít lần, tôi đi ngang khu phố ấy, những kỷ niệm lại ùa về với trò chơi mà đứa trẻ nào cũng cảm thấy thích thú: nhảy lò cò hay ném lon”, Quốc Cường kể về tuổi thơ của mình.
Ngoài những trò chơi, một số bạn trẻ hoài niệm về các món ăn vặt thời thơ ấu. Nguyễn Ngọc Thanh Vi (22 tuổi), nhân viên bán hàng tại đường Vườn chuối, Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Hồi đó hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nên hầu như ba chị em không bao giờ được ăn mấy món quà vặt, lâu lắm mới được mua cho một cây kem đá”.
Lúc còn bé, mỗi tuần ông nội của Thanh Vi phải đạp xe 20 km để đến thăm nhà cô và ông thường mang theo bánh bích quy. Mỗi lần nghe tiếng chuông xe đạp của ông vang lên từ đầu ngõ, ba chị em của Thanh Vi chạy ào ra đón ông. “Chị em tôi nâng niu, cắn từng miếng từng miếng nhỏ và đến giờ vẫn không thể nào quên vị ngọt, béo, mùi thơm của bơ cùng với vị chua của nho khô tan trong miệng”, Thanh Vi kể lại.
Thanh Vi chia sẻ: “Ông nội đã ra đi, mãi không thể trở về và hãng bánh bích quy ngày xưa cũng không còn sản xuất nữa. Nếu thực sự có cơ hội quay trở về quá khứ, tôi muốn quay lại thời gian khó khăn đó để có thể tận hưởng sự quan tâm, yêu thương của ông nội”.

Sống tốt cho hiện tại

Một số bạn trẻ như Nguyễn Trung Quân (21 tuổi), sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, cho  rằng tuổi thơ là khoảng thời gian đẹp nhưng đã qua đi và cách đơn giản nhất để hạnh phúc là trân trọng những gì mình đang có, không quá tiếc thương về quá khứ, cũng như không quá lo lắng về tương lai.
“Khi biết sống cho hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc chỉ là những điều nhỏ bé xung quanh”, Trung Quân nói.

Một số bạn trẻ hoài niệm về tuổi thơ có xu hương chia sẻ hình ảnh ngày ấy và bây giờ

NVCC

Đồng quan điểm trên, Trần Nguyễn Mẫn Châu (22 tuổi), trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh trên đường Thành Thái, Q.10, TP. HCM, nói: “Để sống tốt trong hiện tại, tôi cố gắng biến những nuối tiếc về thời thơ ấu thành một nguồn động lực to lớn để thúc đẩy tôi đi về phía trước.
“Tôi sẽ cất giữ những hoài niệm và tiếc nuối ấy vào một góc nhỏ trong tim để nhớ về mỗi khi chênh vênh trong cuộc sống. Tôi cũng cố gắng phấn đấu để có thể làm được những điều mà trước đây mình chưa làm được, để sau này nhìn lại thời thanh xuân mình không có quá nhiều nuối tiếc nữa”, bạn trẻ xin một vé được trở về tuổi thơ nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.