[VIDEO] Nữ sinh vá lưới thuê kiếm tiền ăn học
|
Năm Lê học lớp 9, ba Lê, lao động chính trong gia đình, bị tai biến liệt nửa người. Bình thường, ba đi làm biển, còn mẹ bị bệnh tim nên không thể lao động nặng, gia cảnh đã khó khăn vì phải nuôi 2 anh em ăn học và còn chữa chạy bệnh cho mẹ. Nên khi ba bệnh, gia đình lại rơi vào bế tắc.
|
“Ổng (ba Lê) làm vất vả bao nhiêu năm cũng không xây được cái nhà đàng hoàng cho 2 đứa nhỏ ở. Nên khi ổng bị bệnh, nằm một chỗ, bên nhà thờ thấy gia cảnh khốn khó quá mới quyên góp xây được cho cái nhà”, mẹ Lê kể về căn nhà cấp 4 mà cả gia đình đang ở.
Nhắc đến căn nhà của mình, Lê như nhắc nhớ về một năm trước. Lê kể: “Căn nhà này chỉ mới làm được một năm thôi chứ trước đây, cứ đến mùa mưa là đêm nào hai mẹ con cũng thức trắng để tát nước mưa ra ngoài. Vì căn nhà vách lá mà 2 bên mục nát hết nên nước mưa cứ thế mà chảy vào nhà”.
tin liên quan
Nghị lực mùa thi: Nam sinh ung thư xương mơ thành kỹ sư tin học“Em ít khi khóc trước mặt ba mẹ vì sợ ba mẹ buồn lòng. Nhưng đêm nào ngồi học bài, nước mắt cũng nhòe hết nét chữ. Gia đình em bây giờ lo bữa ăn hằng ngày còn khó, ngày nào cũng phải nghĩ hôm nay sẽ ăn gì, tiền đâu mua thuốc, chữa bệnh cho ba...”, nói đến đây Lê nghẹn lại.
Lê lúc nào cũng cười dù cuộc sống khó khăn như thế nào, nhưng cứ nhắc đến ba là nước mắt lại rơi. “Ngày xưa ba mạnh khỏe, ba nuôi cả gia đình, giờ ba nằm một chỗ, cả nhà không lo nổi cho ba. Em xót lắm”, Lê nghẹn ngào.
Hiện tại, mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp cho người khuyết tật, một tháng chưa đến 600.000 đồng. Mẹ trước đây dù bệnh tim nhưng vẫn đi làm thuê những việc nhẹ như làm cỏ, vá lưới... Nhưng từ ngày ba Lê gặp nạn, mẹ phải ở nhà túc trực để chăm ba 24/24. Anh trai Lê trước đây có phụ lo tiền thuốc thang cho ba nhưng vì tiền lương ít ỏi (4 triệu đồng/tháng), giờ lại có gia đình riêng nên cũng không phụ được nhiều.
|
Tôi hỏi: “Một tháng chưa đến 600.000 đồng thì cả gia đình xoay xở thế nào?”, Lê thành thật: “Còn chưa đủ tiền thuốc cho ba thì nói gì đến chuyện ăn uống ạ. Nhưng nhà em được nhiều người thương nên mọi người có gì đều mang sang cho. Cô (em gái của ba) đi làm lưới nên chiều về có cá lại cho nhà em. Có nhiều hôm có 1 con cá mà hai cha con chia ra ăn cả ngày. Còn mẹ thì tháng ăn chay 10 ngày nên những ngày này thường sẽ được ăn cơm miễn phí trên chùa”.
Hiện nay, vì muốn kiếm thêm thu nhập để lo tiền thuốc thang cho ba, hằng ngày Lê phụ mẹ nhận lưới về nhà vá. Ngày xưa, ba chưa nằm một chỗ, mẹ Lê đến tận nhà người thuê để vá lưới thì giá sẽ cao hơn, còn giờ nhận về nhà làm, giá mỗi tấm lưới chỉ có 90.000 đồng, mà hai mẹ con làm trong 2 ngày mới xong.
tin liên quan
Nghị lực mùa thi: Cậu học trò ước mơ có được bộ máy tínhVừa từ trường học về, chỉ có 30 phút để nghỉ trưa rồi lại tiếp tục đến trường cho giờ học buổi chiều, nhưng Lê vẫn đội nón ngồi bệt xuống khoảng sân nắng để phụ mẹ vá xong tấm lưới cho kịp chiều giao.
Dù vất vả thế nào, Lê vẫn luôn là học sinh giỏi suốt 12 năm học. Nhưng giai đoạn từ lúc ba gặp nạn đến giờ, kết quả học tập của Lê xuất sắc hơn và luôn giữ thứ hạng cao trong trường. Lê nói: “Từ sau khi ba bị như vậy, gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, việc học của em cũng có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Nhưng cũng từ đó, em ý thức nhiều hơn về việc học. Chỉ có học mới giúp gia đình thoát được cảnh này, mới chữa bệnh được cho ba, cho mẹ”.
Rồi Lê kể: “Có những lúc không có tiền đóng học phí, em đã khóc nghẹn vì nghĩ đến chuyện phải nghỉ học. Nhưng may mắn được cô giáo chủ nhiệm cảm thông hoàn cảnh nên đã bỏ tiền túi ra đóng tiền học cho em. Càng thấy ba mẹ khổ cực, thấy mọi người xung quanh thương yêu, em càng không có lý do gì để bỏ cuộc”.
Mong sự chung tay góp sức của toàn xã hội
Điều đáng mừng là sau khi một số hoàn cảnh thí sinh được nhắc đến chia sẻ trên truyền thông, nhiều nguồn lực xã hội đã chung tay hỗ trợ các em. Ban tổ chức Tiếp sức mùa thi sẽ nỗ lực hết sức để rà soát các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước kịp thời hỗ trợ các em về vật chất lẫn tinh thần trong mùa thi sắp tới. Chương trình Tiếp sức mùa thi đã tiếp thêm động lực cho ước mơ đến với giảng đường của nhiều thí sinh, đồng thời nhận được sự tin tưởng và chung tay góp sức của toàn xã hội.
Trịnh Văn Hào (Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long)
|
Bình luận (0)