“Ba làm công nhân, rồi ba đi làm bảo vệ, lúc nào ba cũng đi sớm về trễ để có thêm tiền cho mẹ nuôi chúng em. Ngày ba nhập viện cấp cứu, câu cuối cùng ba hỏi mẹ là 'hai con đâu', thế rồi ba ngủ, chẳng bao giờ thức dậy”, Hạnh kể, bên ngực áo, tấm băng tang màu đen rung lên. Hạnh đã vĩnh viễn xa ba 7 tháng.
Muốn giúp đỡ những bệnh nhân nghèo
Cô nữ sinh lớp 12A12, Trường THPT Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM chững chạc hơn tuổi 18 của mình. Một phần, từ nhỏ Hạnh chứng kiến sự tảo tần, cơ cực của cả cha và mẹ. Cha nay làm chỗ này, mai có người khác thuê lại đi chỗ khác. Mẹ ốm yếu, đủ bệnh trong người nhưng phải khiêng, vác những thùng lớn và nặng. Ngày nào trở về nhà, mẹ cũng phải ngồi thở không ra hơi, đôi bàn tay thô ráp phồng rộp in dấu những nhọc nhằn. Trong một căn nhà cấp 4 nhỏ xíu trên đường An Hạ, xã Phạm Văn Hai, thứ lấp lánh và đáng giá nhất, có lẽ là chi chít những tấm giấy khen ghi tên Hồ Thị Hoàng Hạnh.
|
Giọt mồ hôi của đấng sinh thành là động lực để Hạnh học tập ngày đêm mong thi đậu ngành điều dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), thế nhưng giấc mơ của Hạnh chưa hoàn tất, cha Hạnh đã vĩnh viễn rời xa. Dưới Hạnh là em gái sắp bước vào lớp 5 đang tuổi ăn tuổi lớn, gánh nặng càng dồn vào đôi vai người mẹ. “Ba mất, mẹ gạt nước mắt, tiếp tục đến nhà máy làm, mong có tiền trả nợ khoản vay trước đây khám chữa bệnh và giám định pháp y cho ba. Đến bây giờ, còn 7 triệu đồng mẹ vẫn chưa biết xoay đâu để trả”, Hạnh nghẹn ngào.
tin liên quan
Nghị lực mùa thi: Cô bé học lớp tình thương dưới chân cầu vào đại họcNữ sinh 18 tuổi luôn là học sinh xuất sắc, nói với chúng tôi, em muốn học ngành điều dưỡng để có thể chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo giống như ba mẹ em. “Một thầy giáo từng tặng em khoản tiền đóng học phí, thầy nói em đừng trả nợ thầy, cuộc đời này sẽ còn nhiều người để em giúp đỡ”, Hạnh nói.
Con đậu rồi lấy đâu tiền đi học ?
Hạnh rất mạnh mẽ, có một thứ duy nhất khiến em cảm thấy yếu lòng, đó là giọt nước mắt của mẹ. Hạnh nhìn thấy mẹ khóc ngày đưa tang cha, trong những bữa cơm chiều vắng bóng cha và rất nhiều lần, sau một ngày cơ cực ngoài công xưởng, trở về nhà với những lo toan tiền học phí của các con, tiền trả nợ… “Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, để mẹ có thể khóc, nhưng không phải vì những nỗi đau”, Hạnh nói.
Giữa xưởng sơn bụi bặm ở H.Bình Chánh, nước mắt chan hòa cùng những giọt mồ hôi giữa trưa hè nắng gắt, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, 42 tuổi, mẹ của Hạnh, nói với chúng tôi: “Ai cũng mong con thi đậu ĐH, tôi thì lo ngày đêm, vì nếu con thi đậu rồi, lấy đâu tiền mua cho con một cái laptop, lấy đâu tiền đóng học phí cho con? Tôi làm quần quật nhưng chưa trả nợ xong, không biết sẽ lo tiếp cho con thế nào đây?”.
Bà Thủy bộc bạch, từ ngày chồng mất, nhiều đêm nước mắt bà chảy tràn khi nghĩ về tương lai mù mịt của các con: “Hạnh là đứa ham học, học giỏi. Biết nhà mình nghèo, lúc nào nó cũng sợ phải nghỉ học giữa chừng. Ba mất, nó buồn lắm nhưng không cho phép mình học yếu đi. Nó bảo với tôi, số phận nào cũng có thể thay đổi, con sẽ học giỏi và thay đổi số phận, cuộc đời mình. Con gái tôi đã động viên ngược lại tôi như thế”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ bạn Hồ Thị Hoàng Hạnh - Trường THPT Lê Minh Xuân; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình Hạnh trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)