Nghiên cứu về vật liệu mới chữa ung thư, tiểu đường

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/07/2018 09:43 GMT+7

Kiên trì theo đuổi công trình nghiên cứu về vật liệu polymer nhạy nhiệt độ và pH, nhằm hỗ trợ chữa bệnh ung thư và đái tháo đường, Đinh Tiến Hải đã giành điểm xuất sắc cho luận văn tốt nghiệp của mình.

Không gây độc hại
Đinh Tiến Hải (22 tuổi), sinh viên Khoa Công nghệ vật liệu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, vừa nhận được sự đánh giá cao của các thành viên trong hội đồng chấm luận văn, khi đạt điểm 9,13, cao nhất trong số những sinh viên ngành kỹ thuật vật liệu polymer của khóa học này.
Đề tài của Hải có tên “Nghiên cứu tổng hợp polymer nhạy pH - nhiệt độ”, đưa ra một loại vật liệu mới hoàn toàn có khả năng ứng dụng trong y sinh. Hải cho biết: “Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các căn bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, ung thư, đặc biệt là bệnh đái tháo đường đang trở thành một mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe loài người. Việc sử dụng dược phẩm điều trị theo phương pháp truyền thống có những nhược điểm lớn như thuốc bị tập trung đột ngột tại một điểm làm hạn chế tác dụng điều trị, đồng thời trở thành chất độc hại cho cơ thể. Công trình của tôi nghiên cứu và chế tạo ra loại vật liệu mới là polymer “thông minh” có khả năng nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ và pH, có thể bao chứa thuốc để tiêm vào cơ thể. Vật liệu này sẽ phân hủy mà không gây độc hại, giải phóng thuốc từ từ vào hệ tuần hoàn giúp quá trình điều trị hiệu quả và an toàn hơn”.
Thuốc chữa trị ung thư hoặc tiểu đường sẽ được phối trộn với dung dịch polymer ở nhiệt độ thấp (5 độ C) và pH khác với 7.4. Sau đó hỗn hợp được tiêm vào cơ thể người bệnh ở vị trí dưới da, tại điều kiện cơ thể (nhiệt độ 37 độ C, và pH 7.4) hỗn hợp sẽ chuyển thành trạng thái gel. Thuốc từ trong khối gel sẽ nhả ra từ từ và sẽ tác dụng trực tiếp lên mầm bệnh với liều lượng vừa đủ và ổn định theo thời gian.
Hạn chế nhược điểm của phương pháp truyền thống
Nhận xét về luận văn của Hải, PGS-TS Huỳnh Đại Phú, Trưởng khoa Công nghệ vật liệu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, các công trình nghiên cứu về hệ phân phối thuốc từ vật liệu polymer nhạy tác động ở VN còn khá ít. Đề tài của Hải góp phần giải quyết những vấn đề không những trong nước mà thế giới đang quan tâm nghiên cứu, đó là chế tạo ra hệ truyền dẫn thuốc/protein mới với những đặc tính vượt trội, hạn chế những nhược điểm của phương pháp truyền thống cũng như các hệ truyền dẫn thuốc/protein trước đó, đồng thời có khả năng ứng dụng cao. Nghiên cứu này cũng góp phần vào sự phát triển của ngành dược phẩm nước nhà, tránh bị phụ thuộc vào các tập đoàn dược phẩm nước ngoài trong một số loại dược phẩm đặc hiệu”.
Theo PGS Phú, Hải có khả năng tiếng Anh xuất sắc, nên có lợi thế khi nghiên cứu, đọc tài liệu nước ngoài. “Ngoài ra, cậu ấy là một người có khả năng nghiên cứu độc lập, rất chăm chỉ theo đuổi mục tiêu. Hải là một trong những sinh viên ưu tú của khoa”, ông Phú nhận định.
Nhờ thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc (điểm tổng kết 8,32, cao nhất ngành), khả năng tiếng Anh, chuyên môn và kỹ năng tốt, ngay khi chưa tốt nghiệp Hải đã được Công ty Hyosung tuyển dụng để làm việc ở phòng nghiên cứu phát triển. “Em mong muốn thời gian tới mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển đề tài để có thể sớm ứng dụng vật liệu này vào thực tiễn”, Hải chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.