Người trẻ còn thiếu văn hóa nghỉ việc?

16/03/2018 19:08 GMT+7

Mới đây, một chàng giám đốc trẻ tại Hà Nội đã đăng một câu chuyện trên trang cá nhân của mình về văn hóa nghỉ việc của người trẻ hiện nay. Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Nhiều người trẻ chưa biết cách xin nghỉ việc

Chủ nhân của câu chuyện này là anh Trần Trung Hiếu, giám đốc của một công ty tại Hà Nội. Trong dòng trạng thái của mình, anh viết: “Trong công ty, tôi đã từng gặp trường hợp mới nhận việc, sáng đi làm vui vẻ, chiều tự nhiên mất hút, gọi hỏi mới nói là chỗ khác mới offer em tốt hơn nên em qua luôn, em hẹn anh lần khác nhé, sợ chưa. Hay gần đây nhất có bạn hôm trước làm, hôm sau nghỉ, không chào hỏi tạm biệt ai cả, hoặc có bạn thậm chí sau block cả Facebook của mọi người trong công ty (chắc vì ngại), không hiểu các bạn nghĩ gì,…

Đồng cảm với dòng trạng thái này, thành viên Thuyên Đặng bình luận: “Làm việc với các bạn trẻ, đôi khi thấy các bạn rất hồn nhiên. Nghỉ việc một cách rất tự nhiên và bất ngờ. Về hành vi thì biểu hiện đó còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm khá lớn. Nhưng cũng khó trách các bạn, tuổi trẻ, trải nghiệm còn hạn chế nên đôi khi hành xử chưa thực sự trưởng thành. Cũng mong cho các bạn sau này sẽ hiểu và trưởng thành hơn trong những công việc tương lai”.

Hãy biến mình thành người chuyên nghiệp

Khi chia sẻ với nhiều bạn trẻ về câu chuyện này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tương tự.

Trương Minh Thái (cựu sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) cho biết: “Trước khi đến với công việc hôm nay thì mình đã nghỉ việc ở 2 công ty. Công ty đầu tiên thì mình làm được hơn một tuần, còn công ty thứ hai thì được một ngày. Vì thấy công việc không phù hợp nên mình nghỉ mà cũng vì nghỉ sớm quá nên mình ngại và cũng không báo cho ai biết”.

Tương tự, Nguyễn Thị Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) cho rằng không dám đối mặt để nói với quản lý là mình nghỉ vì mới vào chưa được lâu. “Mặc dù, mình biết làm thế là không đúng, cũng cắn rứt lắm vì mấy ngày sau chị quản lý cứ gọi cho mình rồi còn nhắn tin hỏi 'em bị bệnh hay gặp vấn đề gì à?'. Nhưng thấy chị hỏi vậy mình càng ngại và thấy có lỗi hơn nên lại chọn cách im luôn”.

Về vấn đề này, anh Trần Trung Hiếu khuyên: “Hãy biến mình thành người chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đến từ những điều nhỏ nhất, đến từ sự tử tế, không phải là cái gì quá to tát. Xin nghỉ chỉ là kết thúc công việc tại một nơi, nhưng còn đó là cả những mối quan hệ, đừng để vì 'chưa biết cách xin nghỉ' làm sau này cũng ngại khi nhìn mặt nhau”.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) nhìn nhận: “Nếu các bạn trẻ nói là vì ngại thì càng khẳng định bạn là người còn non nớt trong việc giao tiếp. Bởi lẽ, hành động nghỉ ngang mà không thông báo sẽ làm nhà tuyển dụng bị 'tổn thương' hơn nhiều so với việc bạn thẳng thắn nói ra sự thật...”.

“Các bạn nên thành thật, mạnh dạn liên hệ với nhà tuyển dụng để nói rõ nguyên nhân nghỉ việc, thà mất lòng trước được lòng sau, một lời xin lỗi đúng lúc còn hơn vạn lần trốn tránh. Và hơn nữa, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm về việc chọn lựa doanh nghiệp để ứng tuyển, các bạn cần có suy nghĩ chính chắn hơn để tránh lặp lại sai lầm cho những lần tiếp theo mà nhà tuyển dụng và cả bạn đều tổn thương và tốn kém”, anh Cao Trung Hiếu khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.