Nhà hảo tâm ‘bóc mẽ’ những hành vi phản cảm mùa dịch

Vũ Thơ
Vũ Thơ
27/08/2021 20:41 GMT+7

“Hàng cứu trợ 2 lần, mỗi lần một bao gạo với mấy gói mì. Gạo thì tớ còn đầy, mì thì tớ không thích ăn… Thôi để dành cho đàn gà nhà hàng xóm của người ta ăn vậy. Cứu trợ cho gà nhà người ta”.

Đó là dòng trạng thái phản cảm của một bạn trẻ trên mạng xã hội đã bị nhiều người kịch liệt lên án trong thời gian gần đây.
Không chỉ có thái độ chê bai, nhiều người vừa xin được hỗ trợ ở nơi này lại tiếp tục xin ở nơi khác, nhận giúp đỡ rồi lại nài nỉ xin tiếp. Một số nhà hảo tâm ở Hà Nội đã “tố giác” những hành vi trên mạng xã hội, để mọi người tránh làm từ thiện nhầm địa chỉ.

Thấy xin được cứ xin

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Lê Thị Thanh Thương (27 tuổi, ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, do dịch Covid-19, thấy có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, Thương đã sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tuy nhiên khi đi làm từ thiện không ít lần bạn cảm thấy bị tổn thương khi có những trường hợp hoàn cảnh không đến mức khó khăn nhưng “cứ thấy người khác xin được cũng xin”.
“Có nhiều bạn nhà đã có đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết nhưng vẫn xin giúp đỡ: xin ít bánh bao để ăn sáng, xin ít bún để đổi bữa, xin chảo chiên vì nồi chiên nó dính ...”, Thương ngao ngán kể.

Dòng trạng thái phản cảm của một người được hỗ trợ

Ảnh NVCC

Thương cho biết mình là mẹ đơn thân, cũng đang nuôi hai con nhỏ và ở miền Nam ra trọ tại Hà Nội để buôn bán hoa quả. Do trước đây vào đợt dịch năm 2020, Thương cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do Hà Nội thực hiện giãn cách, nên mùa dịch năm nay bạn muốn giúp những người bị khó khăn như mình. Vì vậy khi thấy ai lên mạng kêu khó khăn, Thương lại tìm hiểu để giúp đỡ, nhưng cô cũng thấy phẫn nộ vì có nhiều người "không biết thế nào là đủ".
“Có trường hợp khi lên mạng nói làm mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ xin hỗ trợ lương thực thực phẩm để nuôi con. Khi em hỏi muốn xin gì thì chị ấy nói xin xúc xích và bánh xốp cho con ăn cho đỡ tủi (!?). Cá nhân em cũng là mẹ đơn thân có 2 con nhỏ bạn bé mới hơn 2 tuổi, cũng nhặt nhạnh chắt bóp chi tiêu, cũng chia sẻ cả phần của con mình cho những hoàn cảnh khác. Thế nhưng với trường hợp này, em cảm thấy ngạc nhiên vì họ xin những thứ mà con em cũng không có”, Thương buồn rầu chia sẻ.
Thương cũng chia sẻ: “Em biết đợt giãn cách này rất nhiều người khó khăn , rất nhiều người cần trợ giúp nhưng xin mọi người hãy “1 lần biết đủ”. Có bạn chỉ biết đủ cho mình mà không biết đủ cho người khác. Nếu nhận được sự giúp đỡ rồi thì xin hãy nhường những tấm lòng lại cho những người cùng cảnh ngộ như mình”.

Bản tin Covid-19 ngày 27.8: Kỷ lục 17.428 ca Covid-19 | Niềm hy vọng lớn từ vắc xin NanoCovax

Lừa đảo mùa dịch

Đồng cảm với Thương có nhiều người cũng cho biết mình đã bị lợi dụng lòng tốt, thậm chí bị lừa đảo mùa dịch. Chị Đinh Thị Thành Huế (40 tuổi, ở P.Hạ Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) kể, khi thấy có người lên mạng nói là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, 1 bé mới được 3 tháng tuổi phải uống sữa tươi, nên bị đi ngoài, chị đã động lòng trắc ẩn và gửi tiền giúp đỡ. Tuy nhiên, ngay sau khi chị chuyển khoản cho 1 triệu đồng thì “bà mẹ” này đã xuất hiện ở một nhóm khác để xin tiếp. Khi được chị góp ý thì người này lập tức chặn kết nối với chị.

Một số người đi xin ở hết nhóm nọ đến nhóm kia trên mạng xã hội và bị phát hiện

Ảnh NVCC

Nhiều người cũng cho biết họ từng bị “mắc lừa” bởi có không ít người tham lam bỏ hết cả lòng tự trọng, bịa ra hàng nghìn lý do, thậm chí bịa cả tình trạng sức khoẻ của bản thân, những người thân trong gia đình của họ... chỉ nhằm mục đích xin được càng nhiều càng tốt và sử dụng những suất quà từ thiện đó một cách xa xỉ.
Bạn Nguyễn Quang Hải (31 tuổi, ở P.Trung Văn, Q.Nam từ Liêm) chia sẻ: “Mình đã từng gặp rất nhiều những trường hợp một người nhưng dùng vài 3 nick khác nhau để lên xin hỗ trợ, có những trường hợp qua tận nơi giúp thấy có khi họ còn khá giả hơn cả mình, rồi có những người lười lao động, lười tư duy, bản chất chỉ muốn ngồi một chỗ vạ vật rồi lên mạng tìm kiếm thông tin để lừa đảo. Có những người tới nơi thấy vỏ túi bánh mỳ, chai nước ngọt, vỏ mỳ tôm, đầu mẩu thuốc lá vứt la liệt quanh phòng, trong khi máy tính vẫn còn đang chơi dở… Rồi có những hoàn cảnh khó khăn được viết sẵn, lên kịch bản còn hay hơn cả phim Hollywood…”
Không chỉ có vậy, nhà hảo tâm không quản mưa nắng dịch bệnh, không quản khó khăn vất vả tới hỗ trợ, nhưng nhiều có người còn chê ít, trách đi chậm lâu tới… Chị Nguyễn Thị Chiêm (32 tuổi, một nhà hảo tâm ở Hà Nội) cũng phải thốt lên “ngán ngẩm” khi gần đây một bạn trẻ lên mạng đưa hình ảnh 2 bao gạo rồi viết: “Hàng cứu trợ 2 lần, mỗi lần một bao gạo với mấy gói mì. Gạo thì tớ còn đầy, mì thì tớ không thích ăn. Giá mà đổi được 2 bao gạo này lấy một bó rau nhỉ. Thôi để dành cho đàn gà nhà hàng xóm của người ta ăn vậy. Cứu trợ cho gà nhà người ta”.

Thông tin về một "bà mẹ" cần cứu trợ cho con bằng xúc xích và bánh xốp

Ảnh NVCC

 
Từ thiện không chỉ bằng trái tim
Trước thực trạng mà các nhà hảo tâm chia sẻ, đa số các ý kiến đều bày tỏ sự lên án những hành vi phản cảm này. Bà Dương Thị Minh Phương (51 tuổi ở Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: “Rõ ràng xin từ thiện trá hình là một tội ác vì cướp đi cơ hội của những người cần được giúp đỡ, vì đem lại cảm giác bị lừa đối với những người lăn lộn giúp đời. Họ không chỉ giúp bằng vật chất mà còn cả thời gian, công sức nữa”.
Anh Nguyễn Xuân Kỳ (41 tuổi, ở P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai) cũng bất bình nói: “Cần phê bình những người lợi dụng lòng tin, để họ thấy hành vi lợi dụng của họ sẽ làm mất đi cơ hội của bao nhiêu người khó khăn thật sự".
Tuy nhiên cũng nhiều người lại cho rằng khi làm từ thiện thì những người hảo tâm không chỉ cần trái tim mà cần phải tìm hiểu kỹ hơn, chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Chị Nguyễn Phương Hoa (ở P. Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) bày tỏ: “Mình khi bắt đầu làm từ thiện cũng bị lừa rất nhiều, nhưng sau này đã rút ra được kinh nghiệm và không bị lừa nữa, nếu có thì xác suất rất nhỏ. Làm từ thiện cũng cần có tri thức, phải dùng cả cái đầu chứ không chỉ mỗi trái tim”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Huỳnh Xuân Thủy (công chức P.Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, mọi người có thiện tâm là điều trân quý, nhưng phải kiểm tra kỹ để sự giúp đỡ của mình đến đúng người cần và không bị trục lợi.
Anh Thủy cũng cho biết trong tuần qua đã kiểm tra, xác minh 14 trường hợp "cần giúp đỡ" trên địa bàn thì có 9 trường hợp không trung thực, nhiều trường hợp được chính quyền hỗ trợ rồi và không hề thiếu thốn nhưng vẫn đi xin. Vì vậy anh Thủy mong muốn các nhà hảo tâm nên liên hệ với địa phương, cùng với xác minh thực tế trước khi làm thiện nguyện thì sẽ tránh được tình trạng bị trục lợi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.