Cuối năm 2020, Đồng Văn Hùng, 24 tuổi, chủ nhân kênh YouTube "Ẩm thực mẹ làm" sẻ chia với chúng tôi như thế. “Nhà tôi 3 đời làm ruộng”, đó là một lời bộc bạch đầy tự hào của chàng trai quê Thái Nguyên. Từ chính mảnh vườn, ngôi nhà nhỏ ở quê hương, nơi bà cố, bà ngoại rồi mẹ anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành, bây giờ cũng là nơi Hùng thực hiện được những ước mơ lớn lao hơn.
Từ vô danh trở thành người truyền cảm hứng khắp thế giới
Đồng Văn Hùng tốt nghiệp xong lớp 12 và lập nghiệp bắt đầu bằng nghề chụp ảnh tại Hà Nội. Đây cũng là nghề anh được học hỏi từ một người anh đi trước. Chụp ảnh tự do, sự kiện, thực hiện nhiều bộ ảnh cho khách hàng tại nhiều nơi, thu nhập không tới nỗi nào, đến một ngày, Hùng quyết định quay trở về quê hương, sống cùng với mẹ của mình và bắt đầu làm YouTube.
Người mẹ giản dị ở quê nhà, ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh với những chiếc giỏ hoa mười giờ làm từ gáo dừa, con mèo vàng, con chó, đàn gà, những bữa cơm đạm bạc với cà muối, canh cua, khoai sọ của mẹ bên cạnh bếp lửa ấm… Tất cả trở thành những "nhân vật" trong những video giản dị mà chạm tới trái tim của rất nhiều khán giả, không phải chỉ là người Việt Nam.
Từ một kênh lạ lẫm, sau hơn 2 năm ra mắt, "Ẩm thực mẹ làm" hiện đã đạt hơn 800.000 lượt đăng ký. Trong năm 2020, Hùng và mẹ của mình cũng gây ấn tượng trong giới sáng tạo nội dung khi được YouTube giới thiệu trong bài viết trên Twitter, lan tỏa khắp thế giới. Cũng năm nay, họ được tham gia lễ hội YouTube Fanfest trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức, với hơn 150 nhà sáng tạo và nghệ sĩ khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, hai mẹ con đang là một trong những đề cử hạng mục HotYouTuber của năm trong chương trình tìm ra những người truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng WeChoice Awards 2020.
|
Hùng hạnh phúc nói: “Nhà tôi 3 đời làm nông. Bây giờ thì con đường tôi đi vẫn liên quan đến nông nghiệp. Nhưng theo một cách khác. Nông nghiệp thời 4.0, không phải bạn phải trồng rau, bắt cá bán ở chợ kiếm tiền. Bạn có thể nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp quê mình theo cách khác. Đó là con đường tôi đang đi với Ẩm thực mẹ làm".
Những video nhẹ nhàng, giản dị về cuộc sống thôn quê của hai mẹ con, cách mẹ trồng rau cải, bắt cua, nấu nồi cơm dẻo, canh ngon. Hay có những bữa tối, cơm đã nấu xong rồi, mẹ thui thủi ăn một mình. Tôi nghĩ đó đều là những hình ảnh chạm tới trái tim những người con xa quê, để nhớ về mẹ, về quê hương, để tranh thủ đi về nhà thăm mẹ khi còn có thể”.
Làm nông nghiệp công nghệ cao
Ngày chúng tôi tới phỏng vấn Nguyễn Hồng Đăng, 30 tuổi, một trong 3 nhà sáng lập công ty nông nghiệp công nghệ cao Namix (TP.HCM), anh bồi hồi nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ ở H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi mà nhiều người thân trong gia đình anh đã gắn bó với nghề trồng điều, hoa tết quanh năm vất vả.
Tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Đăng vẫn gắn bó với đất đai, cây cối nhưng theo một hướng khác, anh và các cộng sự nghiên cứu cách làm đất trồng cây trong phố thị từ rác thải hữu cơ. Tới nay, mỗi ngày, sản phẩm của anh phủ sóng ngày càng rộng rãi ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành, họ cũng xuất khẩu đi Singapore và nghiên cứu thị trường ở Dubai.
|
Cuộc lột xác ngoạn mục, từ cậu bé mê trồng hoa tết, yêu thích làm nông nghiệp ở Xuyên Mộc ngày nào tới ông chủ công ty nông nghiệp công nghệ cao phải trả giá bằng nhiều mồ hôi và nước mắt. Song, như Đăng nói, khi được làm với đam mê và hiểu biết, việc bạn làm càng có giá trị hơn bao giờ hết.
Nghề nghiệp truyền thống gia đình ảnh hưởng tới người trẻ?
Ngược về mảnh đất Tây nguyên, giữa những nương rẫy trồng cà phê bát ngát ở xã Cư M’gar, H.Cư M’gar, Đắk Lắk, 29 năm trước, có một cậu bé Sacien Kbuor ra đời trong cảnh thiếu thốn đủ bề của bản làng.
“Nhà tôi 3 đời làm nông, ông bà cố, ông bà nội, ngoại, cha mẹ tôi. Làm quần quật cả năm không có lúc ngơi nghỉ nhưng chẳng bao giờ đủ no, nhiều khi bệnh tật ập đến chỉ biết cầu trời để giữ lại được sức khỏe. Chứng kiến hành trình quá gian nan của gia đình, tôi chỉ có một con đường phải học”, Kbuor chia sẻ lại một phần lý do anh học giỏi và đang là một phiên dịch viên rành cả tiếng Anh, Pháp, Thái Lan, Lào, thu nhập cao mỗi tháng, đi hết 11 nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nghề nghiệp truyền thống của gia đình, hành trình những người thân đã đi qua có tác động như thế nào tới con đường lập nghiệp của người trẻ? Theo Sacien Kbuor, dù bạn được sinh ra trong ngôi nhà có 3 đời làm nông, hay 3 đời làm kỹ sư, 3 đời làm bác sĩ… thì bạn cũng cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được ước mơ của mình. Truyền thống gia đình, sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, ông bà… có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc lại là tiêu cực, trong nhiều tình huống.
|
“Như bản thân tôi, tôi luôn nhận thức được hoàn cảnh gia đình mình không đủ điều kiện như người ta nên sự nỗ lực phải gấp nhiều lần người khác. Tôi không thể đi làm nông, như cách 3 đời nhà mình đã làm, nên tôi luôn có mơ ước và muốn thực hiện nó và phải thành công. Tôi luôn động viên, người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được”, Kbuor nói.
“Nghề nghiệp của ông bà, cha mẹ như thế nào đi nữa thì để thành công, người trẻ phải nhận thức được sự phát triển đi lên của xã hội, phải có sự cầu tiến, dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Can đảm, sẳn sàng va chạm và học hỏi để tích lũy kinh nghiệm”.
Kbuor nghĩ rằng bất cứ hoàn cảnh nào ở các thế hệ đều cho người trẻ những tác động 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Trong khó khăn cũng cho người trẻ động lực cố gắng, chứ không nên chỉ biết đổ lỗi số phận. “Nếu có ai hỏi tôi có buồn khi sinh ra trong mái nhà còn nhiều khó khăn, 3 đời làm nông nghiệp hay không thì chắc chắn tôi sẽ nói là không. Ngược lại, tôi cảm thấy mình may mắn vì được học cách tự lập, vươn lên để thành công và rất hạnh phúc với tình yêu thương của ba mẹ và anh chị”, Kbuor bộc bạch.
Bình luận (0)