“Nghĩ đến là muốn rớt nước mắt”
Mới đây, anh Lê Phú Cường (36 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển xây dựng Lê Nguyễn, H.Hóc Môn (TP.HCM) cùng nhóm thiện nguyện là những doanh nhân và người làm việc trong lĩnh vực truyền thông đã quyết định thành lập “Bếp ăn yêu thương 0 đồng, chia sẻ cùng Sài Gòn chống dịch Covid-19”.
Bếp ăn thiện nguyện này chính thức được “nổi lửa” vào ngày 2.8 tại quán Ẩm thực sân vườn 39 (119 Phan Văn Hớn, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Chỉ sau 4 ngày hoạt động, bếp ăn đã cung cấp gần 1.000 suất cơm mặn (có cá, thịt, canh, xào, kèm tráng miệng) cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và bà con gặp khó khăn.
|
“Nhiều người dân tại TP.HCM đang gặp khó khăn cho cuộc sống hằng ngày vì dịch Covid-19, thậm chí có người còn thiếu ăn, họ phải chạy lo từng bữa. Cứ nghĩ đến những trường hợp như thế là mình muốn rớt nước mắt, ngồi yên sao đành?”, anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, trong những ngày đầu hoạt động, số lượng tình nguyện viên phụ bếp còn hạn chế chỉ được 10 người, đa số là người thân nên mỗi ngày chỉ có thể nấu được khoảng 300 suất cơm.
|
Ngoài nấu suất ăn miễn phí, bếp ăn yêu thương 0 đồng còn là điểm trung gian nhận rau xanh và các loại củ, quả từ các tỉnh thành chuyển về để tặng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn.
Khẩu phần ăn phải đảm bảo dinh dưỡng
Không chỉ có tấm lòng, những tình nguyện viên của các bếp ăn 0 đồng luôn cố gắng đảm phần ăn miễn phí đa dạng và đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Là tình nguyện viên tại bếp ăn 0 đồng ở P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TP.HCM), Thân Trọng Hoài Trí, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ: “Mỗi phần cơm gồm có món mặn (khi thì thịt gà, thịt heo, cá kho), món canh, món xào và một phần tráng miệng. Thực đơn khẩu phần ăn phải đảm bảo dinh dưỡng cho mọi người giữa lúc tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp".
|
Mỗi ngày, bếp ăn 0 đồng ở P.Tăng Nhơn Phú B cung cấp khoảng 300 suất ăn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và người dân có hoàn cảnh khó khăn, theo anh Phạm Thanh Hậu, Bí thư Đoàn phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức (TP.HCM).
“Chúng tôi nấu ba buổi: trưa, tối và khuya mỗi ngày và cố gắng thay đổi thực đơn liên tục để giúp cho mọi người ăn ngon miệng hơn”, chị Lê Thị Thanh Trang, một tình nguyện viên phụ trách nấu các món ăn, chia sẻ.
|
Nói về quy trình hoạt động mỗi ngày của bếp ăn 0 đồng này, Nguyễn Thị Thanh Khoa, sinh viên của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết cô cùng các tình nguyện viên tiếp nhận phần rau củ của nhà hảo tâm từ các tỉnh thành chuyển về TP.HCM. Sau đó, tự tay chế biến thành những món ăn để kèm vào các phần cơm ngon nóng hổi.
“Chúng tôi hoạt động liên tục mỗi ngày, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, kể cả đêm khuya”, nữ tình nguyện viên trẻ của bếp ăn 0 đồng thiện nguyện, chia sẻ.
Bình luận (0)