Đây là một trong những công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc. Đến nay, cầu đã được đưa vào sử dụng tại H.Lấp Vò và Lai Vung (mỗi huyện xây 8 cây cầu), TP.Sa Đéc và H.Tháp Mười (mỗi nơi 5 cây cầu), H.Thanh Bình 4 cây cầu... Mỗi cây cầu có giá trị từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Anh Huỳnh Minh Thức, Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, cho biết qua khảo sát, tỉnh đoàn nhận thấy việc đi lại của người dân và học sinh ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn do không có cầu hoặc cầu ván đã xuống cấp, đặc biệt là trong mùa mưa, dẫn đến việc buôn bán, giao thương gặp nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao… Từ đó, Tỉnh đoàn Đồng Tháp quyết định chọn xây cầu nông thôn giúp người dân lưu thông dễ dàng.
Theo anh Thức, để xây dựng được những cây cầu nông thôn với kinh phí hàng chục tỉ đồng, việc vận động kinh phí không phải là điều dễ dàng. Do vậy, Tỉnh đoàn đã xây dựng phương án với những mục tiêu cụ thể, thông qua các mối quan hệ, các cấp bộ Đoàn kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cầu.
Kết quả, từ đầu năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã vận động và tham gia góp ngày công trực tiếp xây 32 cầu bê tông nông thôn liên xã và liên ấp với tổng giá trị trên 9,3 tỉ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí do các cấp bộ Đoàn vận động các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 6 tỉ đồng, kinh phí do nhân dân địa phương đối ứng trên 3,3 tỉ đồng; lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh tham gia đóng góp trên 1.650 ngày công lao động trị giá trên 200 triệu đồng.
tin liên quan
Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Đưa nước sạch về cho bà conHình ảnh những thanh niên tình nguyện ngày đêm đưa nguồn nước về vùng hạn Ninh Thuận để lại ấn tượng đẹp trong người dân và đã được bình chọn là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc.
Địa điểm chọn xây cầu ưu tiên cho những nơi điều kiện đi lại còn khó khăn, nhu cầu hết sức bức thiết, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hoặc những điểm trường học sinh đi lại nhiều. Chị Trần Thị Hồng Mai, Bí thư Huyện đoàn Lấp Vò, kể trong các tháng 1, 4 và 7, khi tiến hành khởi công xây dựng các cây cầu ở ấp Hưng Lợi Tây (xã Long Hưng B), ấp An Lạc, An Lợi A (xã Định An) và ấp Hưng Lợi Tây (xã Long Hưng A)… người dân nơi đây rất vui mừng bởi lâu nay các điểm này chỉ có cầu ván, xe 4 bánh không qua lại được để vận chuyển nông sản, hàng hóa. Muốn vận chuyển, người dân phải dùng ghe xuồng hoặc xe 2 bánh nên tốn nhiều thời gian và công sức.
Anh Nguyễn Văn Lợi (33 tuổi, ngụ xã Hòa Long, H.Lai Vung) cho biết trước đây qua cầu cây Trường Giang ở ấp Long Bửu rất khó khăn do cầu bị xuống cấp, học sinh, người dân qua lại bằng xe 2 bánh rất bất tiện, nhất là mùa mưa. Từ khi xây xong cầu mới, xe 2 bánh, 4 bánh trên 3,5 tấn đã chạy bon bon vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng tới tận nhà.
Anh Thức cho biết, mỗi cây cầu được dựng lên là những công trình hết sức ý nghĩa. Ngoài việc giúp người dân, học sinh thuận tiện đi lại, nó còn thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hóa được thông suốt, tạo điều kiện cho người dân, địa phương phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Do vậy trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục duy trì thực hiện mô hình xây dựng cầu ở vùng nông thôn.
tin liên quan
Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Cột cờ thanh niên ở đảo Cù Lao XanhĐến với xã đảo Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn, Bình Định), ngay từ xa đã có thể nhìn thấy cột cờ Tổ quốc tung bay trong gió.
Bình luận (0)