Những câu chuyện xúc động từ ca trực thâu đêm tại Trung tâm cấp cứu 115

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/07/2021 08:15 GMT+7

"9 giờ 32 phút tối, Tổng đài điều phối cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi với đầu dây bên kia là một giọng nữ cất lên trong tiếng nấc 'Anh ơi, ba em tự dưng khó thở, anh cho xe cấp cứu đến cứu ba em với…'.

Đó là một cuộc điện thoại trong hàng trăm cuộc gọi đến ca trực đêm của thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Nhựt (31 tuổi), giảng viên bộ môn Cấp cứu ngoại viện, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Trung tâm cấp cứu 115 mới đây.

Nhiều yêu cầu trợ giúp trong đêm

Bác sĩ Minh Nhựt kể tiếp: "Sau đó cô gái khóc òa, giọng run rẩy: địa chỉ nhà em ở..., đường Minh Phụng, Q.6, anh cho xe đến gấp gấp dùm em, làm ơn cứu ba em anh ơi…” Trong nỗi xót xa với tiếng khóc như xé lòng ấy, tôi đã cố gắng trấn an người bên kia đầu dây và khai thác những thông tin cần thiết. Thông tin ban đầu, người bệnh là một bác trai 62 tuổi, đang sốt nhẹ và khó thở cấp. Được biết, bác có tiền sử mắc bệnh tiểu đường type 2, đã 5 năm và tăng huyết áp 10 năm đang điều trị bằng thuốc mỗi ngày. Bác khởi phát sốt 3 ngày gần đây kèm ho khan. Hiện khó thở nên con gái bác phải gọi đến 115 nhờ cấp cứu".
Nhận thấy các dấu hiệu dịch tễ, triệu chứng nghi ngờ trường hợp người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 và đang trong tình trạng nguy kịch, tổng đài điều phối đã phát lệnh xuất xe đồng thời cung cấp chính xác thông tin và địa điểm người bệnh cho ê-kíp cấp cứu. Trong thời gian đợi ê-kíp cấp cứu đến nơi, bác sĩ Nhựt đã liên tục đã trấn an thân nhân người bệnh, hướng dẫn họ các bước theo dõi và các cách xử lý cơ bản giúp người bệnh có thể dễ chịu hơn.
"Sau khi ê kip cấp cứu xác định đây là ca dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển đến khu điều trị Covid-19. Đây chỉ là một cuộc gọi đến yêu cầu sự trợ giúp trong số hàng ngàn cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115", bác sĩ Nhựt thông tin.

Không chùn bước để giành lại sự bình yên

Khi trời vừa hửng sáng mới là lúc bác sĩ Nhựt tạm được thư thả sau một đêm trực trả lời điện thoại đến ù hết 2 tai. Đã nhiều ngày đêm như thế, bác sĩ Nhựt cùng các đồng đội của mình nhận hàng ngàn cuộc gọi cấp cứu, với những chuyến chuyển bệnh thâu đêm, những bữa ăn và giấc ngủ vội. Đến nỗi anh và đồng đội đã quá quen với những tiếng khóc nấc, tiếng nói nghẹn ngào qua chiếc loa điện thoại của đầu dây bên kia...

Bác sĩ Nhựt tin rằng với sự đồng lòng của người dân, chính quyền và đội ngũ y bác sĩ, những ngày bình yên sẽ sớm trở lại

MINH THÀNH

Được biết, Phòng Điều hành - Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận hơn 5.000 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp. "Các cuộc gọi đến ca trực đều trong tình huống khẩn cấp như người nhà bị ho, khó thở, không còn cử động được tay chân..., đa số là các triệu chứng trở nặng của Covid-19. Dịch bệnh bùng phát quá nhanh, đã làm cho lực lượng nơi tuyến đầu chúng tôi gần như quá tải. Trong những lời cầu cứu, những tiếng nấc, khóc nghẹn đó có cả những người bệnh là thân nhân của lực lượng y tế chúng tôi", bác sĩ Nhựt cho hay.
Bác sĩ Nhựt và đồng đội nhiều ngày qua đã quen với những bữa ăn "dã chiến" là chiếc bánh mì cùng ly sữa đặc và tách cà phê pha vội. "Những đêm trực, trên những chuyến xe hối hả, chúng tôi thèm lắm một giấc ngủ an yên. Và điều bình dị nhỏ nhoi như được ở ăn bữa cơm với gia đình, được xem một bộ phim yêu thích, lúc này đây dường như đã trở nên xa xỉ với những 'chiến binh' tuyến đầu. Nhưng dù khó khăn, vất vả và đầy gian nan, tôi và đồng đội chưa bao giờ chùn bước, vẫn luôn dốc hết tâm sức để mong dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi, giành lại sự bình yên cho bà con, cho thành phố".
"Tôi tin là một ngày không xa, sẽ không còn những cây ba-ri-e hay khung sắt kẽm gai phong toả, không còn những đêm truy vết, người dân không còn lo lắng hoang mang... Chỉ mong tất cả chúng ta cùng cố gắng nâng cao ý thức phòng chống dịch. Đồng thời hãy chia sẻ, cảm thông và góp sức cùng với y tế; ủng hộ, chấp hành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền thành phố", từ Trung tâm cấp cứu 115, bác sĩ Nhựt bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.