Tại buổi tọa đàm “Chọn ngành - chọn nghề - Vẽ tương lai” được tổ chức ở Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng mới đây, sinh viên, học sinh và diễn giả đã có những trao đổi cởi mở. Đặc biệt chủ đề giới và việc làm, nữ sinh nên chọn ngành gì để không bị “yếu thế” trong thời đại 4.0, lần đầu tiên được chia sẻ sôi nổi.
Diễn giả Lê Hằng đặt câu hỏi: “Các bạn nữ thấy mình ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời đại của vạn vật kết nối qua internet, của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, khi mà máy móc sẽ có thể thay thế phần lớn những công việc đơn giản, mang tính lặp đi lặp lại?”.
tin liên quan
Sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm việc, vì sao?Các diễn giả còn chỉ ra những điều mà bạn trẻ nghĩ “chưa chắc đã là đúng”, ví dụ như định kiến rằng công nghệ là ngành của nam giới. Chị Võ Hoàng Thùy Trang, Giám đốc điều hành Tổ chức Passerelles Numériques Vietnam (PNV), một tổ chức phi chính phủ của Pháp tại Đà Nẵng, cho biết 66% học viên tham gia chương trình lập trình viên phần mềm do PNV đào tạo là học viên nữ, dù PVN không có chủ trương ưu tiên nữ hay nam. “Mọi người thường cho rằng làm công nghệ là suốt ngày làm việc với máy tính, làm việc ngày đêm, là công việc vất vả. Trên thực tế, ngoài việc lập trình, thiết kế phần mềm, công việc tester (kiểm thử phần mềm) không hề nặng nhọc và bạn nữ hoàn toàn làm tốt. Các bạn nữ bên mình cũng rất giỏi trong việc thiết kế các ứng dụng (app)”, chị Trang chia sẻ.
Trả lời câu hỏi: “Liệu cách mạng công nghiệp 4.0 có khiến khoảng cách bất bình đẳng giới gia tăng?”, diễn giả Lê Hằng cho rằng: “Việc khoảng cách bất bình đẳng giới trở nên rộng hơn hay thu hẹp lại sẽ được quyết định bởi chính các bạn trẻ. Nếu các bạn nữ nghĩ rằng nữ chỉ nên chọn những ngành, nghề đơn giản, nhẹ nhàng, ổn định và không nên đầu tư cho sự nghiệp tương lai thì rõ ràng nguy cơ trở nên yếu thế trong thế giới việc làm tương lai. Nhưng nếu các bạn không để những định kiến về sự phù hợp về giới trong chọn nghề ảnh hưởng tới mình thì các bạn không có gì phải lo ngại”.
Bình luận (0)