Phì phèo thuốc lá nơi công cộng: Phải phạt nặng hành vi vô ý thức!

17/07/2016 15:15 GMT+7

'Xe buýt là phương tiện công cộng, phục vụ cho nhiều người. Thế nhưng mình từng chứng kiến có tài xế vừa lái xe vừa hút thuốc khiến hành khách vô cùng khó chịu', một sinh viên bức xúc.

Nhả khói khắp nơi
Sáng 14.7, tại công viên 30.4 (Q.1, TP.HCM) có nhiều nhóm bạn trẻ tìm đến uống cà phê, ngồi thư giãn, đàn hát... Đang say sưa trò chuyện, cười đùa vui vẻ, một thành viên nữ bỗng tỏ vẻ khó chịu, liên tục phủi tay xua khói thuốc lá được phà ra từ hai thanh niên ngồi gần đó. Vì không chịu được khói thuốc lá ngày càng nhiều hơn, cô gái này bỏ đi chỗ khác.
“Công viên là nơi công cộng vậy mà nhiều người rất vô ý thức. Họ vô tư hút thuốc mặc kệ sự khó chịu của người khác”, cô gái này bức xúc.
Tối 15.7, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) có hàng ngàn người vui chơi. Thế nhưng một nhóm thanh niên tay vừa cầm thuốc, vừa rảo bộ rồi vô tư phì phèo nhả khói trước mặt nhiều người.
Bích Phượng, sinh viên (SV) Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, kể đã rất nhiều lần rơi vào tình cảnh bị hút thuốc lá thụ động. “Mình cực ghét mùi thuốc lá nhưng phải chịu đựng mùi thuốc thường xuyên. Có lúc thì ngồi ở công viên, lúc thì đang ngồi chờ ở trạm xe buýt...”, Bích Phượng nhớ lại.
Trần Thắng, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết mới đây khi đang ngồi chờ tới lượt khám ở Bệnh viện (BV) Hoàn Hảo, Bình Dương. Vì bị người thanh niên ngồi gần liên tục “nhả khói” rất khó chịu nên Thắng đã phản ứng bằng cách khuyên không nên hút thuốc nơi công cộng, làm ảnh hưởng rất nhiều người. Thay vì lắng nghe thì người này nổi đóa: “BV chứ đâu phải nhà mày mà mày cấm”. Người này còn liên tiếp nhả khói thuốc lá, rồi sau đó vô tư vứt tàn thuốc vương vãi trong khuôn viên BV.
Cấm vẫn hút
Theo khoản 7 điều 2 luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì “địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người”. Chẳng hạn như: công viên, nhà xe, trạm xe buýt... Và hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã được nghiêm cấm theo Nghị định 176 năm 2013 và Nghị định 147 năm 2013 của Chính phủ. Tuy nhiên trong thực tế thì hành vi này vẫn tồn tại và diễn ra thường xuyên.
Chị Thúy Diễm, chủ quán cà phê trên đường Ngô Bệ (Q.5, TP.HCM), cho biết trong quán có hai không gian riêng biệt. Trong phòng gắn máy lạnh có bảng cấm hút thuốc lá. “Nhưng dường như ngày nào cũng vậy, có những vị khách ngó lơ bảng cấm này. Họ thấy cấm nhưng vẫn cứ hút. Mình nhắc khéo thì bị cho là không chiều khách”, chị Diễm nói.
Theo điều 10 của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các trường học cũng là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Chưa kể trong nội quy của các trường đều cấm SV hút thuốc lá trong khuôn viên nhà trường.
“Ở trường mình, nhiều SV phớt lờ điều cấm ấy và thản nhiên hút thuốc. Có lần đang ở căn tin trường, hai nam sinh ngồi kế bên sau khi ăn xong đã phì phèo điếu thuốc rồi thổi khói bay tứ tung, mình phải bỏ đĩa cơm đang ăn dở”, Nhung, SV một trường ĐH tại Q.7, TP.HCM cho biết.

tin liên quan

'Dân chơi' thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử cũng gây nghiện, khiến người ta lệ thuộc, nếu sử dụng tinh dầu trôi nổi để hút sẽ gây độc hại. Thế nhưng hiện nay một bộ phận giới trẻ đang nghiện sử dụng loại này.
Với giới SV, một trong những phương tiện đến trường thường xuyên là xe buýt. “Xe buýt là phương tiện công cộng, phục vụ cho nhiều người. Thế nhưng mình từng chứng kiến có tài xế vừa lái xe vừa hút thuốc khiến hành khách vô cùng khó chịu”, Phương Nhã, SV Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ.
Xử phạt còn nhẹ
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã được quy định rõ ràng. Theo khoản 1 điều 23 Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, thì sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá…
“Theo tôi thì mức xử phạt này là khá nhẹ. Bởi lẽ, hành vi hút thuốc tại nơi công cộng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nhiều người, còn theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Nó còn nguy hiểm hơn nếu nơi công cộng đó có nhiều trẻ em. Trong khi, việc xử phạt cảnh cáo thì không có tác dụng răn đe, còn phạt tiền quá thấp cũng khó đảm bảo tính nghiêm minh, phòng ngừa vi phạm”, luật sư Chánh nói.

tin liên quan

Chìm trong “cỏ thơm”
Thời gian gần đây, giới trẻ Hà thành nổi lên trào lưu hút tài mà hay còn gọi là “cỏ thơm”, một thứ thuốc phiện loại nhẹ gây ảo giác được chế từ cây cần sa.
Phương Nhã cho rằng trong thực tế, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra rất nhiều, từ công viên, trường học, đến bến xe, chợ, khu vực vui chơi của trẻ em, những nơi có nguy cơ cháy nổ cao… “Những người thiếu ý thức hút thuốc công khai, mặc kệ phản ứng của người bên cạnh, vậy thì cơ quan, đơn vị nào có thể xử phạt những người có hành vi này”, Phương Nhã thắc mắc.
Nói về vấn đề này, luật sư Chánh cho biết khá nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính với hành vi hút thuốc nơi công cộng. Nhưng thực tế hành vi này ít bị lập biên bản và xử phạt hành chính là do chưa có lực lượng chuyên trách, còn với người có thẩm quyền lập biên bản thì cũng chưa tích cực, quyết liệt trong việc lập biên bản cũng như xử phạt hành chính.
Ý kiến
Thân nhân bệnh nhi thường vào gầm cầu thang, các góc, khuất, kín để hút. Ở những nơi thường xảy ra hút thuốc lá, BV có gắn camera theo dõi, qua đó bảo vệ thấy sẽ đến nhắc nhở. Nhưng có người bị nhắc nhở lại “hăm he” bảo vệ!
Lâu nay BV không phạt được trường hợp nào hút thuốc lá trong BV. Vì cái khó là do BV không có thẩm quyền xử phạt. Khi bảo vệ phát hiện người nào đó hút thuốc, nhắc nhở không được, gọi công an vào thì người hút dập thuốc đi mất. Cấm hút thuốc nơi công cộng là đúng, nhưng thực tế nhiều người vẫn hút thuốc nơi công cộng, chỗ không được hút mà không có biện pháp xử phạt khả thi. Do vậy, BV chỉ đi tăng cường giám sát, nhắc nhở là chính.
Bác sĩ Lê Bích Liên
(Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, TP.HCM)
Cuối năm 2015, chúng tôi đốc thúc lắm thì có 2 - 3 phường xử phạt vài trường hợp hút thuốc lá không đúng nơi quy định, mỗi trường hợp phạt 150.000 đồng. Còn lại đa số cảnh cáo, giáo dục. Từ đầu năm đến nay chưa thấy báo phạt trường hợp nào. Vấn đề khó khăn là người dân còn phản ứng vì cho rằng chưa biết thông tin, do vậy cán bộ phường giải thích đã thông báo (chỉ vào các bảng hướng dẫn) và giới thiệu lại luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì người dân mới chấp nhận.
Lê Ngọc Lâm
(Phó phòng Y tế Q.Bình Thạnh)
Duy Tính (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.