Phong toả, bé 5 tuổi vào bếp nấu ăn bằng bộ nồi đồ chơi cực dễ thương

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
14/07/2021 13:13 GMT+7

Dịch bệnh, không được ra khỏi nhà gần 3 tháng nay, bé Zinni được mẹ sắm cho bộ đồ bếp cực dễ thương. Mẹ còn hướng dẫn bé nấu nhiều món ăn thật, đẹp mắt bằng bộ đồ nghề này.

Bộ đồ bếp nấu ăn của bé Nguyễn Hoàng Thiên Di (tên gọi ở nhà là Zinni, 5 tuổi) có đầy đủ từ nồi niêu, xoong chảo, chén đĩa, hộp đựng gia vị… với kích thước nhỏ dành cho trẻ em. Từ bộ đồ chơi này, cô bé muốn được vào bếp nấu những món ăn thật sự.

Vào bếp cùng con

Thấy con gái ở nhà gần 3 tháng nay, chị Ngô Thị Hoàng Oanh ( 40 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM), làm việc trong lĩnh vực thiết, đã quyết định cùng con vào bếp, nấu hàng chục món ăn khác nhau, bằng bộ đồ chơi của con. Cô bé đã vô cùng háo hức, mỗi ngày đều mong chờ được vào bếp… trổ tài.

Bé Zinni được ba mẹ sắm cho bộ đồ bếp đầy đủ dụng cụ và rất hào hứng khi nấu ăn với bộ đồ nghề này. Chị Hoàng Oanh, mẹ bé sẽ là người hướng dẫn, theo sát con

NGUYỄN VŨ PHƯỚC

Chị Hoàng Oanh cho biết, mỗi lần thấy mẹ nấu ăn, con gái rất tò mò và hứng thú, muốn được phụ mẹ.
“Nhìn con, tự nhiên nhớ hồi nhỏ mình cũng thích nấu ăn, thường cùng tụi trẻ con trong xóm, lấy lon này lon kia làm nồi, kê gạch làm bếp, nhổ cỏ, rau dại làm thức ăn, xào nấu như thật. Nghĩ chắc con cũng mê vào bếp như mình hồi xưa nên mình đã đặt mua bộ đồ bếp nấu ăn với kích thước nhỏ xíu cùng những vật dụng trong bếp giống như những đồ dùng hàng ngày”, bà mẹ trẻ chia sẻ.
Theo chị Oanh, bộ đồ chơi nấu ăn sẽ giúp con vừa có thể quan sát, ghi nhớ tên từng loại dụng cụ, vừa có cơ hội bắt chước mẹ nấu ăn.

Zinni hào hứng, tự tay chế biến món ăn

NGUYỄN VŨ PHƯỚC

Sáng tạo món ăn mini

Để thực hiện, chị Oanh lựa chọn những thực phẩm có kích thước "mini” hoặc phải sáng tạo, cắt nhỏ ra. Chẳng hạn, với món trứng vịt lộn, thay vì mua trứng vịt, chị chọn mua trứng cút, sau đó ngâm nước chanh 30 phút trước khi hai mẹ con tỉ mẩn chùi hết màu đen trên vỏ để quả trứng nhìn giống trứng vịt lộn.
Các loại rau, củ quả chị cũng chọn mua loại có kích thước nhỏ, còn thịt chị hướng dẫn cắt nhỏ sao cho phù hợp với kích thước của bộ đồ bếp này. Cứ thế, cô bé đã được mẹ hướng dẫn nấu hàng chục món ăn khác nhau như: bánh mì ốp la, bún đậu mắm tôm, canh khổ qua nhồi thịt, phở, bánh xèo, bánh bèo…
Hầu hết các khâu, chị để con chủ động làm nhưng vẫn phải theo sát, hướng dẫn để tránh bị bỏng, hay đứt tay.
Dưới đây là những món ăn mà bé Zinni vào bếp thực hiện dưới sự hướng dẫn của mẹ:

Bé Zinni cùng mẹ vào bếp, nấu ăn hàng chục món ăn trong mùa dịch

NGUYỄN VŨ PHƯỚC

Thực hiện thông điệp ‘ở nhà là yêu nước’ 

 
“Con gái ơi! Có lẽ mình không may mắn trước tình hình dịch Covid -19 phức tạp rơi vào thời gian nghỉ hè của con và các bạn nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường. Bên cạnh nỗi lo công việc bị ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh, áp lực khi con chỉ quẩn quanh ở nhà hay phải ổn định tâm lý và phát triển thể chất của con trong mùa dịch đang là thách thức lớn của mẹ. Thực hiện thông điệp ‘ở nhà là yêu nước’ nghe thật khó khăn.
Nhưng, khi tình yêu của mẹ dành cho con đủ lớn, mọi trở ngại trên hành trình cùng con trưởng thành trong mùa dịch đều trở nên nhỏ bé! Mẹ đã có một cuộc trò chuyện chủ động, thẳng thắn và phân tích rõ với con về loại dịch bệnh nguy hiểm này và vai trò quan trọng của con trong việc ý thức để giữ gìn sức khỏe cho bản thân”,
Đó là những chia sẻ của chị Hoàng Anh dành cho con. Chị cũng dành thời gian kể cho con nghe những câu chuyện liên quan đến tình hình dịch Covid-19, về những cô chú bác sĩ đang vất vả để cứu người bệnh.
Sau nhiều lần chia sẻ và nói chuyện, chị Oanh nhận thấy con gái có vẻ rất hiểu và hưởng ứng việc ở nhà chống dịch, không đòi đi chơi, không đòi bất cứ gì, chỉ nói con nhớ cô giáo, nhớ các bạn trên lớp.
Chị cũng lên một lịch trình trong ngày cho con hoạt động gồm thời gian học tập, làm việc ,nghỉ ngơi và vui chơi một cách hợp lý. Cô bé được chơi các trò chơi, hoạt động gia đình, tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa, hay nấu ăn cùng nhau…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.