Phụ nữ có nên 'lui về hậu trường' để chồng kiếm tiền?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/03/2019 19:10 GMT+7

Vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ lùi đến 27.3 mới có phán quyết. Trước đó, nhiều lần ông Vũ nhắc tới khuyên vợ ' lui về hậu trường ' để ông phát triển Trung Nguyên.

Phụ nữ hiện đại nghĩ gì về việc có nên lui về hậu trường, hay cùng tham gia phát triển sự nghiệp với chồng? Đâu là chìa khóa để cân bằng giữa việc kiếm tiền và duy trì hạnh phúc, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của nhiều bạn trẻ.

Cân bằng công việc và chăm sóc con

Chị Lê Na, 31 tuổi, doanh nhân, đại lý cấp 1 hệ thống Corset Chuẩn, quận 3, TP.HCM nêu quan điểm: “Tôi không đồng ý lui về hậu trường, bỏ hết công việc kinh doanh của mình. Là người phụ nữ của gia đình, tôi biết cách cân bằng công việc và chăm sóc con cái...”.
Tuy nhiên, theo chị Na, phụ nữ cũng cần nhớ rằng, “lúc nào cũng phải đổi mới mình, về ngoại hình, kiến thức, cách sống, để bản thân luôn đẹp, thú vị, không trở nên nhàm chán”.

Không để mang tiếng “ăn bám” chồng


Chị Trần Thị Minh Thiết, 29 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Vận tải và du lịch An Thuận Thành (số 4 Tôn Thất Hiệp, phường 13, quận 11, TP.HCM), cho hay quan điểm của mình là phụ nữ dù làm ít tiền hay nhiều tiền, vẫn phải đi làm để không mang tiếng là ăn bám chồng.
“Đi làm vừa giúp cho phụ nữ không bị stress do quẩn quanh trong nhà nhiều, lại có kinh tế, có thể phụ giúp cùng chồng mua sắm, chi tiêu, nuôi dạy các con. Quan điểm của tôi là phụ nữ không nên ở nhà, phụ nữ lấy chồng sinh con lại càng không nên ở nhà nội trợ để tất cả mọi thứ cho chồng cáng đáng. Sự tự chủ trong kinh tế sẽ giúp cho phụ nữ vui vẻ hơn, từ đó cũng khiến gia đình hạnh phúc hơn”, chị Thiết nói.

"Vai trò của người mẹ khó có thể thay thế"

Chị Giang Vũ, nhiếp ảnh gia ẩm thực (Food Photographer), trú quận 8, TP.HCM cho biết việc phụ nữ có nên lui về hậu trường hay không là tùy vào sự lựa chọn, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi gia đình.
“Nếu người chồng kiếm được nhiều tiền hơn, phụ nữ có thể làm công việc nhàn, ít tiền hơn một chút và có nhiều thời gian cho gia đình, đó là lý tưởng nhất. Nhưng trong nhiều gia đình, có những người vợ kiếm được nhiều tiền hơn, đàn ông ở nhà giúp vợ lo việc nội trợ, đưa đón con đi học…; hoặc cả hai cùng đi kiếm tiền, thuê người giúp việc, thuê người nấu nướng”, chị Giang Vũ nói.
Chị Giang chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, có thể nhìn nhận rằng, vai trò của người mẹ thật khó có thể thay thế bởi người giúp việc hay ai khác, vì người mẹ không chỉ là người nội trợ, nấu nướng, còn là nuôi dạy con cái. Bữa ăn mà người mẹ nấu, sẽ có nhiều hơn năng lượng yêu thương hơn, con sẽ thích món ăn mẹ nấu hơn. Bữa ăn người mẹ nấu sẽ chọn nguyên liệu tốt nhất, nấu ngon nhất, trình bày đẹp nhất, nhìn mâm cơm cũng có thể xua tan mọi mệt mỏi sau một ngày lao động, đó là bữa ăn gắn kết gia đình”.

"Phát triển sự nghiệp đến đâu, đừng quên mình là phụ nữ"

Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện (đang định cư tại Hungary), cho rằng trong xã hội hiện đại, vai trò người xây tổ ấm không chỉ là người phụ nữ, mà ở sự chung sức của tất cả các thành viên.
Chị Thiện không ủng hộ quan điểm người phụ nữ phải từ bỏ sự nghiệp riêng, "lui về hậu trường", mà vẫn có thể theo đuổi sự nghiệp của mình, nhưng quan trọng, người phụ nữ phải làm người bạn đời của mình hiểu rằng, việc mình đang làm ích cho gia đình, xã hội. “Người phụ nữ cũng nên san sẻ công việc với chồng, thông cảm với chồng, đặc biệt không được quên, mình là phụ nữ, đừng nên có cái tôi quá lớn”.
Còn bạn, quan điểm của bạn về việc này như thế nào? Vui lòng gửi cho chúng tôi bằng cách nhập vào ô bình luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.