Nhân câu chuyện một tỉ phú tập đoàn Amazon 25 năm rửa bát cho vợ mới đây đã ly hôn gây tò mò trong công chúng, chúng tôi tìm hiểu thực tế việc rửa bát cũng như làm việc nhà của nhiều đàn ông Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Berlin (TU Berlin), từng trực tiếp làm các dự án nghiên cứu với các tập đoàn lớn như Rolls-Royce, Volkwagen… và đang công tác tại tập đoàn Siemens, cho biết anh vui vẻ làm việc nhà mỗi ngày, miễn là có thời gian rảnh.
tin liên quan
Bữa cơm gia đình“Tôi đã sống ở Đức hơn 15 năm, tôi cho rằng nam nữ bình đẳng. Tức là cả đàn ông, phụ nữ vừa đi làm việc, vừa phải có trách nhiệm chia sẻ việc nhà. Tôi thường xuyên hỗ trợ vợ việc nhà như nấu cơm, rửa bát, chăm con... khi rảnh rỗi. Đặc biệt, hai ngày cuối tuần khi vợ tôi đi làm, tôi ở nhà chăm sóc con cái và làm việc nhà. Với tôi, đây cũng là niềm vui lớn”, tiến sĩ Việt Anh nói.
Anh Trần Văn Bằng, ông chủ chuỗi nhà hàng Anh Em Shinookubo tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, cho biết vì đặc thù gia đình kinh doanh nhà hàng, do đó cả hai vợ chồng đều ít khi nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có thể hỗ trợ vợ rửa bát, dọn dẹp, anh đều sẵn sàng làm.
Anh Phạm Đăng Đức, 28 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyển 24h, cho biết anh và vợ anh vẫn chia sẻ việc nhà với nhau, nếu anh rửa bát thì vợ nấu cơm, anh quét nhà thì vợ sắp xếp lại bàn ăn… Theo anh Đức, vợ cũng đi làm cả ngày vất vả, làm việc nhà cùng với vợ, dù mình làm có thể không đúng ý vợ nhưng vẫn khiến vợ cảm động, không khí gia đình ấm áp, vui vẻ hơn.
Anh Nguyễn Trọng Nhân, 35 tuổi, trú ở chung cư The Art Gia Hòa, đường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. cho hay gia đình anh có 2 con nhỏ, 3 và 5 tuổi, nhà không có người giúp việc và không có cha mẹ hai bên hỗ trợ, do đó, vợ chồng phải tự chia nhau thời gian làm việc nhà. “Chúng tôi cùng đưa các con đến trường rồi sau đó cùng nhau đi uống cà phê, sau đó mỗi người cùng đến công ty. Buổi tối, ai về sớm sẽ đón các con. Người còn lại lo việc cơm nước. Khi vợ nấu cơm tối chẳng hạn, tôi sẽ tắm cho các con. Khi vợ rửa bát, tôi sẽ lau dọn bàn ăn, sau đó chơi với các con để vợ giặt đồ, ủi đồ. Nếu để vợ làm tất cả mọi việc thật là bất công, bởi nếu cô ấy mệt quá, ngã bệnh, chỉ có ba cha con tôi chịu thiệt thòi trước tiên”, anh Nhân vui vẻ chia sẻ.
Tác giả Jesse Peterson, quốc tịch Canada, đang sống tại quận 7, TP.HCM, cho biết tại quê hương anh, đàn ông phụ nữ chia sẻ việc nhà 50-50, đặc biệt ở các thành phố, đàn ông càng chia sẻ việc nhà nhiều hơn với người vợ của mình. “Bố tôi nấu ăn ngon hơn mẹ tôi”, Jesse nói.
Jesse chia sẻ từ thực tế nhiều vùng đất ở Việt Nam mà anh đi qua, nhiều người đàn ông rất hiếm khi cùng rửa bát, quét nhà hay làm các việc nhà khác với vợ của mình. “Nhiều người đàn ông Việt Nam thích nhậu và hay nhậu, không giỏi và chăm như phụ nữ. Nhiều nơi vẫn còn quan niệm, việc này là của đàn ông, việc kia chỉ có đàn bà mới làm”, Jesse nói.
“Tuy nhiên, tôi có nhiều người bạn trẻ tuổi, họ đã thay đổi từ trong tư duy. Ví dụ, người yêu của tôi có tính cách nghệ sĩ, cô ấy không thích nấu ăn và dọn dẹp nhà, tôi và cô ấy chia sẻ 50 - 50. Tôi cho rằng, với thế hệ trẻ bây giờ, không nên mặc định là đàn ông đi làm bên ngoài, còn phụ nữ phải lo hết việc nhà, vì phụ nữ cũng đi kiếm tiền mà, bình đẳng mà...”, Jesse Peterson trao đổi.
Bình luận (0)