Rớt nước mắt với cô bé có trái tim bên phải ước mơ được đi học!

06/07/2019 13:35 GMT+7

Sinh ra với trái tim nằm bên phải, lại bị hẹp van tim nên sau một tháng chào đời, bé Huỳnh Nguyễn Nguyên Thảo sức khỏe rất yếu, nhiều lần tưởng không cứu sống được. Nhưng được một người phụ nữ nhận về nuôi, đến giờ em sắp bước sang tuổi thứ 6 và đang nuôi ước mơ đi học.

Chỉ khỏe mạnh khi ở với mẹ nuôi

Mang trái tim bên phải đã là một câu chuyện khiến nhiều người tò mò, thế nhưng câu chuyện cứu sống được cô bé này còn có nhiều tình tiết kỳ diệu khác.

Ước mơ đến trường của cô bé có trái tim bên phải

Chị Nguyễn Thanh Thủy (mẹ đẻ của Nguyên Thảo) nghẹn ngào kể: “Từ lúc mới sinh ra, bác sĩ đã bảo bé khác những đứa trẻ bình thường khác vì bé có trái tim bên phải. Nhưng bác sĩ bảo điều này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và cuộc sống sau này của bé, nhưng được 1 tháng thì bé phát bệnh, thở rất thoi thóp và người bé như con khỉ, tay chân rút lại và cứ cà giựt cà giựt. Nói chung con khỉ như thế nào là lúc ấy bé như thế đó. Làm mẹ nhìn thấy con như vậy tôi đứt từng đoạn ruột. Đưa đi bệnh viện thì bác sĩ bảo bé bị hẹp van tim, và có đờm trong cổ. Nhưng đờm rất nhiều và như keo nên phải đặt ống để hút ra…”.

Dù sức khỏe rất yếu, nhưng Thảo rất nhanh nhẹn và là niềm an ủi tuổi già của vợ chồng cô Hồng 

HOA NỮ

Kể đến đây, giọng chị Thủy nghẹn lại. Rồi chị thở dài kể tiếp: “Bé còn nhỏ quá, mới mấy tháng tuổi mà ở bệnh viện suốt. Rồi sức khỏe càng yếu, nhiều lúc tưởng chừng như không cứu được con mình. Đêm nào tôi cũng khóc ròng vì xót con, cứ sợ sẽ mất con. Rồi người ta chỉ tôi mang bé đến cô sáu Hồng, vì cô này đã từng cưu mang rất nhiều đứa trẻ “khó nuôi”, bệnh tật. Từ đó bé ở với cô sáu Hồng đến ngày hôm nay”.

Cô sáu Hồng mà chị Thủy nhắc đến là cô Hồ Thị Hồng (67 tuổi), cô không có con, sống cùng chồng trong căn nhà nằm sau ở con hẻm nhỏ tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Dù cuộc sống của hai vợ chồng già rất khó khăn, nhưng từ trước giờ đã nhận nuôi và cưu mang nhiều đứa trẻ “khó nuôi”, bệnh tật.

Để nuôi được bé Thảo lớn đến ngày hôm nay là hành trình gian nan của vợ chồng cô Hồng

HOA NỮ

“Mình nuôi tụi nó qua cái đốt khó nuôi đó, hay hết bệnh tật thì đưa về lại với ba mẹ ruột của tụi nó, chứ vợ chồng già như cô thì lấy gì nuôi khi tụi nó lớn lên. Nhưng bé Thảo là trường hợp đặc biệt và chắc chắn cô sẽ nuôi bé đến khi nào cô nhắm mắt xuôi tay thì thôi. Vì bé không ở với mẹ đẻ được, ở với mình thì chơi nhảy vậy chứ về với mẹ Thủy của bé là bé lại đau, lạ thế á. Mà lần nào về bé cũng không ở quá 1 buổi, sáng đến trưa là lại đòi về với mẹ Hồng”, cô Hồng kể.

Gian nan chặng đường nuôi dưỡng

Nhớ lại những ngày đầu mới nhận bé về nuôi, cô Hồng không khỏi xót xa: “Lúc đó bé mới 6 tháng tuổi, người nhỏ thó, tay chân cứ co lại, rồi nhiều lúc hình hài nhìn như con mèo con. Mà lúc đó cô bị gãy chân và đang bó bột, không đi lại được, nên để bé vào chiếc võng và ngồi bên ru cả ngày vậy đó”.

Vì cơ thể rất yếu ớt nên quá trình nuôi dưỡng bé Thảo là cả một chặng đường đầy gian nan của cô sáu Hồng. Cô kể: “Vì vết mổ để đặt ống hút đờm còn chưa lành nên bé cứ ăn vào là sặt, hai tháng trường chỉ toàn cho ăn cháo gói. Vì lúc đó cũng chưa đi lại được nên cô để nồi cơm điện bên cạnh cái võng, vừa ru bé, vừa nấu cháo gói cho bé ăn”.

chỉ cần vận động mạnh là bé mệt, người tái xanh và chân tay lạnh ngắt

HOA NỮ

Cô Hồng cho biết khi bé được hơn 1 tuổi thì bắt đầu đỡ hơn, nhưng vẫn khó nuôi, khó ăn như vậy và cứ trái gió trở trời là lại đau. “Mà bé bệnh đâu giống những đứa trẻ bình thường khác, mỗi lần ho ngồi nhìn bé thở mà muốn mệt theo bé luôn. Và cứ mỗi lần đau là phải đưa đi bệnh viện liền chứ không để ở nhà được, chậm một chút là rất sợ bé không cứu được. Nói thẳng ra là cô nuôi bé trong hồi hộp, cứ hồi hộp từng giờ từng phút, mỗi lần nó đau là cô khóc, cứ sợ bé không qua được”, cô sáu Hồng trải lòng.

Mỗi ngày chồng cô Hồng phải đi đốn lá từ 4 giờ sáng để kiếm tiền lo cơm nước hằng ngày của gia đình

HOA NỮ

Rồi cô nói: “Giờ nhìn bé lớn vậy rồi đó, nhưng cũng chưa chắc chắn được gì cả, vì sức khỏe bé rất yếu. Chỉ cần chơi nhiều, hay vận động mạnh là tim đập mạnh, người tái nhợt, chân tay thì lạnh ngắt. Nên cô sợ lắm, 5 năm qua rất vất vả mà giờ cũng vậy, lo lắng từng ngày từng giờ”.

Ước mơ được đi học

Có lẽ vì mang trái tim bên phải khác người nên cô bé Nguyên Thảo có sự nhanh nhẹn hơn lứa tuổi.

Mới 5 tuổi, không được ai tập viết nhưng Thảo vẫn có thể viết được các chữ trong bảng chữ cái và nét chữ rất tròn trịa, ngay hàng thẳng lối. Không những thế, cô bé còn tự múa và hát rất hay.

Bé Thảo là nguồn động lực để vợ chồng cô Hồng cố gắng lao động mỗi ngày dù tuổi đã lớn

HOA NỮ

“Cô đâu có biết viết chữ, nên đâu có dạy được cho bé. Bé bảo cô chỉ cho bé viết, cô nói cô không biết thế là nó tự nhìn và viết lại. Viết xong bé còn nói “dễ ợt mẹ à”, tôi cũng chịu nó luôn, đau bệnh riết mà được cái thông minh và nhanh nhẹn”, cô Hồng kể.

Chính vì thấy bé nhanh nhẹn nên cô Hồng đã làm đơn xác nhận là đã nhận nuôi bé từ lúc 6 tháng tuổi, để bé được đến trường đi học.

Không ai chỉ dạy nhưng bé Thảo vẫn viết chữ rất đẹp và chữ cái nào em viết cũng được

HOA NỮ

“Giờ bé muốn đi học phải về với mẹ đẻ, nhưng ở dưới đó là bé bệnh, rồi không ai lo cho bé đi học, sức khỏe bé lại yếu. Nên cô mới làm đơn để xin, mong rằng bé được đến trường đi học, chứ nhìn bé tự tập viết cô thấy thương lắm”, cô Hồng bày tỏ.

Dù cả bé và cô Hồng đều mong muốn bé được đi học, thế nhưng đằng sau điều mong ước đó là cả một nỗi trăn trở cứ đau đáu trong lòng. Vì hiện tại cuộc sống của gia đình cô chỉ lây lất qua ngày, chồng đi đốn lá, cô ở nhà xỏ quai dép.

“Mà giờ ổng lớn tuổi rồi nên đâu có đốn được nhiều. Ngày xưa đốn còn được cả 200 lá còn giờ chỉ có 100 lá hoặc vài chục lá một ngày, mà 20 ngày người mua mới đến lấy lá. Nên cứ lây lất qua ngày vậy đó. Có lúc không có tiền thì đi mua thiếu rồi khi bán được lá lại trả cho người ta. Mẹ bé Thảo mỗi tháng cũng có trợ cấp nhưng cũng chẳng đủ để lo được cho bé. Mà hoàn cảnh của gia đình bên đó cũng khó khăn chẳng kém nên thôi cứ được ngày nào hay ngày đó. Nhiều khi người ta thương bé Thảo, cứ dẫn đi ra đường là người này cho 10.000 đồng, người kia cho 20.000 đồng, rồi về lo cho bé. Chỉ lo lúc bé đi học….”, cô Hồng nghẹn ngào nói.

“Lo vì hoàn cảnh của mẹ bé cũng khốn khó, nếu mẹ bé không lo nổi thì mình cũng phải lo thôi. Đâu bỏ bé được, giờ có nó thủ thỉ cũng vui, nó gọi mẹ mẹ, ba ba khiến vợ chồng tôi ấm lòng và xem bé như con đẻ của mình. Vừa lo không tiền đi học, vừa lo bé sức khỏe yếu quá không biết có học nổi không, rồi đi học có xỉu không…”, cô Hồng không giấu được nỗi trăn trở.

Cô Hồng xỏ hạt cườm cho quai dép nuôi hi vọng cho bé Thảo được đến trường

HOA NỮ

Nghe được những nỗi lòng nhiều đêm dài thao thức của cô Hồng khiến chúng tôi xót xa. Thế nhưng, khi ra về, nhìn nụ cười hồn nhiên cùng câu nói ngây ngô của bé Thảo: “Con muốn đi học, sau này làm cô giáo, con sẽ lo lại cho mẹ Hồng”, thì chúng tôi tin đây sẽ là động lực để giúp cả cô Hồng và bé Thảo lại tạo nên được những kỳ tích cho chính cuộc đời của cô bé mang trái tim bên phải này.

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước.
Nội dung ghi: giúp đỡ em Huỳnh Nguyễn Nguyên Thảo.
Chúng tôi sẽ chuyển đến em Thảo - Cô bé có trái tim bên phải, trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.