Giúp nông dân tiết kiệm 20 - 30% chi phí
Ý tưởng nghiên cứu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường được trưởng nhóm Phan Như Ngọc nung nấu từ những năm còn học THCS.
Phan Như Ngọc kể: “Hồi còn học THCS, một người bạn của mình đi cắt cỏ bị nhiễm độc thuốc diệt cỏ, sau đó nhiễm trùng máu dẫn đến bại liệt. Khi học sinh học về sự sinh trưởng của côn trùng, mình đã ấp ủ ý định chế ra thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nhưng phải đến năm thứ 3 học bộ môn hóa hữu cơ, Viện Kỹ thuật hóa học, mình mới thực hiện được ước mơ đó”.
Năm 2017, Ngọc cùng Vũ Thị Nhi, Nguyễn Thị Minh Thương và Vũ Văn Huy lập nhóm EC (Environmental Chemistry) thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chiết tách các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên ứng dụng làm thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường”.
|
Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nông sản sạch, các thành viên nhóm EC nhận thấy thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, giá thành của chúng lại khá cao khiến nông dân e ngại.
“Bọn mình tham khảo một số sách về các bài thuốc và vị thuốc dân gian thì biết được hạt củ đậu có thành phần rotenone có thể sản xuất thuốc trừ sâu. Nghiên cứu thêm tài liệu tiếng Anh, bọn mình đã xây dựng quy trình chiết tách dịch rotenone từ cây củ đậu, ứng dụng làm thuốc sinh học, giúp nông dân tiết kiệm được 20 - 30% chi phí”, Vũ Văn Huy cho hay.
Theo Minh Thương, tại VN, cây củ đậu được trồng khắp nơi, từ đồng bằng đến miền núi. Người dân thường lấy rễ củ ăn, hạt củ đậu có tỷ lệ rotenone khoảng từ 0,56 - 1,01%, trong dân gian dùng chữa một bệnh ngoài da. Rotenone chưa được sử dụng nhiều, nông dân còn chưa biết nhiều về công dụng của nó. Do chưa sản xuất được rotenone, giá thành nhập khẩu cao so với túi tiền của bà con nông dân. “Một nước nông nghiệp có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa rất thích hợp cho sâu bệnh phát triển. Thị trường đang rất cần những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi các hóa chất bảo vệ thực vật không thể đáp ứng được điều đó. Việc sử dụng rộng rãi rotenone - thuốc trừ sâu sinh học trong nông nghiệp là rất cần thiết, không chỉ đảm bảo năng suất mà còn an toàn với môi trường và con người”, Thương nói.
Thân thiện môi trường, tạo ra nông sản an toàn
Sau nhiều tháng nghiên cứu với tổng kinh phí 7 triệu đồng, nhóm EC đã chế ra được thuốc trừ sâu với giá thành 55.000 đồng/100 cc/sào đất. Thử nghiệm tại các vườn rau, sản phẩm đem lại hiệu quả bất ngờ. Ưu điểm của sản phẩm là an toàn với người sử dụng, không gây độc hại môi trường, diệt côn trùng nhanh, đặc biệt là trị các loại sâu ăn tạp, sâu khoang hại rau, sâu tơ, sâu xanh da láng, dòi đục lá, bọ trĩ trên dưa hấu, rệp đào trên thuốc lá, nhện đỏ trên cam, rầy xanh…
Vũ Thị Nhi cho hay: “Sản phẩm của nhóm mình có nguồn gốc từ thảo mộc, thuốc phân hủy đủ nhanh trong môi trường, nên không lo về dư lượng hóa chất trong thực vật, góp phần tăng chất lượng nông sản, an toàn cho người sử dụng, đảm bảo cho nông dân có thực phẩm sạch để bán, người tiêu dùng an tâm về chất lượng nông sản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Để tối ưu hóa sản phẩm và tận dụng nguồn phế phẩm từ cây củ đậu bị bỏ đi, hiện nhóm EC tiếp tục nghiên cứu tận dụng lá, thân củ đậu, kết hợp với tỏi… hướng tới các sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch có giá trị cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Khoa học - công nghệ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sản phẩm của nhóm EC là một trong những đề tài nghiên cứu xuất sắc của sinh viên được hội đồng giám khảo lựa chọn từ hàng trăm công trình tham dự triển lãm Ngày hội sáng tạo trẻ Bách khoa 2018. Ngoài ý nghĩa khoa học, sản phẩm còn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, có tính ứng dụng cao. Với một đất nước đi lên từ nông nghiệp như VN, sản phẩm này giúp xử lý vấn nạn sử dụng quá nhiều chất hóa học trong nông nghiệp.
|
Bình luận (0)