Sáng tạo trẻ: Máy đọc cho người khiếm thị

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
22/10/2018 07:59 GMT+7

Chiếc máy đọc tài liệu cho người khiếm thị của Nguyễn Thanh Trung vừa đoạt giải đồng tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2018 tổ chức tại Ấn Độ từ ngày 16 - 22.10.

Muốn người khiếm thị có sản phẩm tốt và rẻ
Nguyễn Thanh Trung là sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Dự án Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị của Trung từng đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 năm 2017.
Bạn trẻ nên đọc sách và đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều nhất có thể, rèn luyện bản thân, thì nhãn quan và suy nghĩ mới có thể mở rộng để sáng tạo
Nguyễn Thanh Trung

Chia sẻ về sản phẩm này, Thanh Trung cho biết: “Một lần đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, em gặp một bạn khiếm thị. Bạn ấy rất giỏi, đánh đàn hay và thích đọc sách. Tuy nhiên, em tìm hiểu thì thấy sách cho người mù rất ít. Ở địa phương thì càng ít nữa. Từ đó em manh nha ý tưởng về việc mình cần phải làm một cái gì đó để giúp người khiếm thị có thể đọc sách, tài liệu một cách dễ dàng và em đã nghĩ ra một phương pháp theo kiểu máy đọc sách Kindle”.
Theo Trung, máy dạng này đã có trên thị trường nhưng giá rất cao, khoảng 2.000 - 3.000 USD, vượt quá khả năng của nhiều người ở VN. Trung quyết định làm một cái rẻ hơn, với động cơ khác biệt, đơn giản nhưng vẫn hoạt động tốt. Trung và người bạn Lê Nguyễn Ngọc Thạch (khi còn học chung Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Kon Tum) cùng bắt tay vào thực hiện, mất 5 - 6 tháng từ lúc lên ý tưởng cho đến khi làm xong.
Bước đầu Trung gặp khá nhiều khó khăn vì thiếu nhiều kiến thức, trong khi phải tự tìm tòi các loại động cơ phù hợp mà giá thành phải rẻ. “Nhờ được các thầy cô Trường chuyên Nguyễn Tất Thành giúp đỡ rất nhiều nên tụi em cũng hoàn thành dự án. Khi học ĐH, tụi em được học và đọc thêm nhiều kiến thức nên đã cải tiến cho sản phẩm thêm hoàn thiện để tham dự triển lãm quốc tế ở Ấn Độ lần này”, Trung kể lại.
Để sáng tạo cần đọc nhiều, đi nhiều
Sản phẩm của Trung có hình chữ nhật, làm bằng chất liệu nhựa đơn giản, gọn nhẹ, kích thước khoảng 27 x 17 cm, mặt trên có đục các lỗ vừa đầu ngón tay để giúp người khiếm thị cảm nhận chữ nổi. Máy được xây dựng trên bo mạch xử lý ardunio, lập trình với ngôn ngữ C và C++, công dụng đọc các văn bản trên máy tính và xuất ra dưới dạng bảng chữ Braille, giúp người sử dụng lưu trữ văn bản trong USB và đọc bằng cách nhận biết bằng tay trên bề mặt máy. Không chỉ giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp xúc hơn với các tài liệu, sách, báo, sản phẩm này còn giúp họ tiếp cận được với các văn bản điện tử rất phổ biến hiện nay.
Mô hình của Trung chỉ có giá 500.000 đồng, nếu hoàn thiện để sản xuất bán ra thị trường thì có thể giá sẽ mắc hơn một chút. “Sau khi tiếp tục cải thiện các tính năng cho thân thiện hơn với người dùng, em hy vọng sản phẩm sẽ sớm được sản xuất để bất cứ người khiếm thị yêu sách nào cũng có thể mua được dễ dàng”, Trung bày tỏ.
Chia sẻ về kỹ năng sáng tạo, Trung cho rằng: “Bạn trẻ nên đọc sách nhiều hơn, đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều nhất có thể, rèn luyện bản thân, thì nhãn quan và suy nghĩ mới có thể mở rộng để sáng tạo. Kiến thức càng sâu thì sẽ làm được điều uyên bác. Ngoài ra, tiếp xúc với điện thoại và internet quá nhiều sẽ khiến chúng ta thiếu óc quan sát, thiếu thực tế, tiếp nhận thông tin một cách thụ động và phụ thuộc. Lần này tham gia triển lãm ở Ấn Độ, em mới nhận ra thế giới rộng lớn và có biết bao điều hay để học hỏi. Em chợt nghĩ mình cần phải rèn luyện bản thân để khi gặp một người nước ngoài có thể tự tin nói: Tôi là người Việt Nam”, Trung chia sẻ.
Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2018 (IEYI 2018) tại Ấn Độ là lần tổ chức thứ 14, thu hút sự tham gia của hơn 350 nhà sáng tạo trẻ đến từ hơn 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Indonesia, Nga, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Sri Lanka, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… với hơn 110 công trình, dự án. Tiêu chí triển lãm đặt ra là mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng cao vào sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.