Sao phải tự tử?

24/04/2018 07:15 GMT+7

Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tự tử vì tình, vì áp lực cuộc sống, công việc, học hành… Người trẻ dường như đang có 'xu hướng' tìm đến cái chết để giải quyết nỗi buồn, áp lực trong cuộc sống.

Dân mạng còn chưa hết bàng hoàng về vụ nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An tự tử vì bị bạn bè đưa hình ảnh yêu đương cùng bạn trai lên mạng xã hội, thì mới đây, ngày 10.4, lại thót tim khi nam sinh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM nhảy lầu vì áp lực học hành. Rồi một anh chàng bị người yêu bỏ cũng đã leo lên thành cầu Đồng Nai (Biên Hòa, Đồng Nai) định tự tử, may mắn được mọi người phát hiện và ngăn cản.
Đấy chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp mà người trẻ giải quyết nỗi buồn hay áp lực cuộc sống bằng cách tự tử. Ở những năm tháng rực rỡ nhất của cuộc đời, các bạn lại tìm đến cái chết như cách thức để giải quyết sự bế tắc của bản thân. Liệu có ổn không và sao phải tự tử? Sao phải tự tước đi cái quyền được sống, được hạnh phúc của chính mình?
Một cách làm tiêu cực
Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách
Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY
Rất khó khăn để chúng tôi thuyết phục được L.T.T.H (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đồng ý chia sẻ về câu chuyện của mình.
H. từng là học sinh giỏi nhất nhì một trường THPT tại Đắk Lắk, vào đại học với điểm số cao, gia đình luôn tự hào về H. Học đến năm 2 thì H. quen và yêu một chàng sinh viên năm cuối cùng trường. Vì là mối tình đầu nên H. yêu say đắm, được hơn 1 năm thì phát hiện anh này "bắt cá 2 tay". Thế là H. tuyệt vọng và 2 lần tìm đến cái chết, may là đều được bạn cùng phòng phát hiện kịp thời.
“Mình đã yêu người đó rất nhiều, trao cả trái tim lẫn thể xác, nên khi biết người đó phản bội, mình như mất hết tất cả. Lúc đó mình vừa thấy tuyệt vọng, thấy có lỗi với ba mẹ vì là đứa con gái hư thân, vừa chẳng còn tin vào điều gì trên đời này nữa hết. Thế là mình tìm đến cái chết. Nhưng đó là quyết định sai lầm nhất cuộc đời mình và sai lầm đó lại xảy đến 2 lần. Nếu ông trời không thương, thì mình đâu còn cơ hội để báo hiếu cho ba mẹ, đâu còn cơ hội tận hưởng những tháng ngày tươi đẹp trước mắt”, H. chia sẻ.
Nói về nguyên nhân người trẻ tìm đến con đường này để giải thoát, ông Đặng Hoàng An, giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Phần nhiều là do kinh nghiệm sống của các bạn trẻ còn hạn chế, không phải bạn nào cũng có bản lĩnh đối mặt với áp lực từ công việc, cuộc sống. Kế đến là cấu tạo sinh lý thần kinh của người trẻ thường dễ kích động, bên cạnh sự thiếu kỹ năng thích nghi, vượt qua cú sốc tinh thần”.
Theo ông An, mặt khác là do các bạn trẻ ngày nay sử dụng mạng xã hội quá nhiều, sự tương tác đời thực giảm đi và khi gặp khó khăn thì không biết chia sẻ cùng ai. Ngoài ra, mạng xã hội ngày nay đầy rẫy những thông tin không hay về tự tử, khi tiếp xúc, người trẻ ít nhiều bị tiêm nhiễm, khi rơi vào bế tắc, họ dễ dàng bị ảnh hưởng và làm theo.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng những người đã nghĩ đến chuyện tự tử là họ đã đánh mất hết ý nghĩa cuộc sống, thấy bế tắc... Nhưng cơ thể con người là món quà cha mẹ trao tặng ta, là vốn quý nhất của mỗi người. Được sống là điều quý giá nhất của mọi loài. Và theo văn hóa VN, tự tử là điều bất hiếu nhất, là cách làm rất tiêu cực và không bao giờ nên làm.
Hãy lấy nội lực để đánh bay áp lực
Bà Thúy khẳng định ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc buồn bã hay chán chường, nhưng nếu biết tự chuyển hóa cảm xúc bằng cách nhìn vấn đề tích cực hơn thì cảm xúc xấu sẽ qua nhanh, cân bằng tâm trạng, để tìm hướng đi mới, giải pháp mới.
“Mỗi người trẻ hãy tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Những áp lực từ người khác chỉ là những tác động từ bên ngoài. Còn người chịu trách nhiệm về hành vi sau khi bị những yếu tố từ bên ngoài tác động là chính bản thân mình. Mình quyết định làm hay không làm, trốn chạy hay không là do chính bản thân lựa chọn, không ai có thể bắt buộc mình nếu mình không đồng ý. Khi chúng ta có tinh thần chịu trách nhiệm thì dù bất cứ hoàn cảnh nào, bất kỳ khó khăn nào cũng tìm được giải pháp”, bà Thúy nhấn mạnh.
Nhưng để làm được điều này lại phụ thuộc vào nội lực, tức sức mạnh nội tâm bên trong của mỗi người.
“Vì thế hãy để nội lực đánh bay áp lực. Nội lực cho người ta sức mạnh, sự tự tin bên trong, để chiến thắng áp lực bên ngoài. Những người có nội lực sẽ không chối bỏ cuộc sống vì người khác, vì những tác động từ bên ngoài. Nội lực cần một quá trình rèn luyện dài”, bà Thúy nói và khẳng định: “Nội lực trước hết đến từ kiến thức, những người hiểu biết sẽ không kết thúc cuộc đời lãng xẹt như vậy”.
Bà Thúy cũng nhắn nhủ: “Mỗi người trẻ hãy trân quý bản thân mình, trân quý sự sống của mình. Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách. Khi cảm thấy bế tắc, có 2 cách để giúp mình vượt qua là quay về với bên trong của mình để tìm ra sức mạnh của bản thân và thứ hai là tìm đến người xung quanh giúp đỡ”.
Đồng quan điểm, ông An khuyên: “Các bạn nên nhớ rằng ai cũng có áp lực cuộc sống và cần giải quyết. Khi gặp khó khăn mà không thể giải quyết, hãy mạnh dạn và chủ động chia sẻ với người thân, gia đình, bạn bè để tìm ra hướng giải quyết, không nên nhốt suy nghĩ tiêu cực quá lâu trong mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.