Sau vụ YouTuber Thơ Nguyễn, tràn lan nội dung liên quan Kumanthong trên TikTok

12/03/2021 16:07 GMT+7

Sau sự việc YouTuber Thơ Nguyễn 'xin vía' trên TiKTok bị cộng đồng phản đối vì ảnh hưởng không tốt đến trẻ em, chúng tôi đã thử gõ từ khóa ' Kumanthong ' thì trên mạng xã hội này xuất hiện rất nhiều nội dung tương tự.

Tìm Kumanthong trên TikTok không khó

Mới đây, trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của mình, YouTuber nổi tiếng Thơ Nguyễn đã đăng một đoạn clip dài gần 1 phút về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh gây tranh cãi.
Trong clip này, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con". Đoạn clip sau khi được đăng tải đã nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con cái thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Thơ Nguyễn. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê tâm linh có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ.

YouTuber Thơ Nguyễn "cảm thấy suy sụp" sau vụ xin vía búp bê

YouTuber Thơ Nguyễn suy sụp sau vụ lùm xùm trên mạng xã hội

Hôm qua (11.3), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) cũng đã mời chủ tài khoản Thơ Nguyễn lên làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan.
Đại diện truyền thông TikTok khẳng định nền tảng này không cho phép các nội dung có tính sai lệch gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dùng. TikTok cũng cam kết phát triển một môi trường sáng tạo an toàn và thân thiện với tất cả người dùng. Sự an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Hiện TikTok đang nỗ lực loại bỏ các nội dung vi phạm và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Tuy vậy, sau động thái phản hồi của TikTok, trong những ngày qua trên nền tảng này vẫn còn xuất hiện nhiều clip của người dùng có nội dung về Kumanthong. Những hội nhóm hay cá nhân tạo thành một trào lưu bằng những hình thái mê tín có liên quan đến Kumanthong hoạt động rầm rộ. 

Không khó để tìm kiếm nội dung "xin vía" trên TiKTok

Cụ thể, khi gõ từ khóa về Kumanthong trên nền tảng TikTok, lập tức xuất hiện hàng ngàn lượt tìm kiếm, đường dẫn đến nội dung này. Theo quan sát, những tài khoàn này đa phần đều đăng tải những hoạt động mê tín, tôn thờ, “xin vía”.
Thậm chí còn có những tài khoản chia sẻ cách làm phép và kinh doanh bùa chú, Kumanthong một cách công khai. Trong đó, một tài khoản có tên A.T.P. có hơn 38.000 lượt thích trên trang chia sẻ cách thờ cúng, rao bán rộng rãi Kumanthong.

YouTuber Thơ Nguyễn nộp thuế bao nhiêu trước lùm xùm xin vía búp bê?

Tài khoản có tên P.H.T có hơn 27.000 lượt theo dõi đã đăng hàng trăm clip với cùng nội dung mua bán bùa chú kèm hình ảnh Kumanthong. Trong một đoạn clip, tài khoản này đăng hình ảnh một búp bê Kumanthong kèm lời nhắn: “Con mới về nước, con chuyên về đỏ đen, làm ăn. Ba mẹ nào đánh bài, cá cược, cầu xin số lô đề nên thỉnh con nha. Con độ về đỏ đen rất mạnh…”.

Một tài khoản rao bán bùa chú, Kumanthong trên TikTok

Theo điều khoản quy định của TikTok, người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Tuy nhiên, chỉ cần một chiếc điện thoại tải ứng dụng, bất kỳ ai, thậm chí là trẻ em đều có thể xem một cách dễ dàng. 

Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại trên mạng

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho rằng hiện nay trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại. Không những về thể chất mà trẻ còn bị xâm hại bởi tinh thần, suy nghĩ trong môi trường mạng xã hội. Đó là một dạng xâm hại khó nhận biết nhất với trẻ em và giới trẻ. Thực tế cho thấy đối tượng trẻ vị thành niên thường bắt chước, thực hành những điều trên mạng mách bảo hoặc các trào lưu biến tướng khác.

Những ‘hot trend’ chết chóc trên mạng xã hội xúi giục trẻ em bắt chước

Đầu tiên để bảo vệ trẻ em không ai khác chính là cha mẹ. Bởi cha mẹ là người chăm sóc, tiếp xúc với con cái nhiều nhất. Do đó, việc quản lý con phải chặt chẽ hơn nữa. Cha mẹ phải quan tâm, sát sao con cái khi sử dụng mạng xã hội.
Theo luật sư Nữ về vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay còn khá lỏng lẻo. Pháp luật chưa thật sự sâu sát về vấn đề trên. Tuy vậy, khi phát hiện vụ việc các nhà quản lý phải thực thi, buộc bên cung cấp nền tảng phải tháo bỏ nội dung và chế tài những người vi phạm. Yêu cầu người đăng tải nội dung phải xin lỗi công khai trên không gian mạng.

Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường mạng xã hội

Luật sư Nữ cũng nói thêm, việc tuyên truyền văn hóa mê tín dị đoan cũng được pháp luật quy định. Cụ thể theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2.
“Đã đến lúc câu chuyện trẻ em với mạng xã hội cần được cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn. Các chuyên gia, cơ quan bảo vệ trẻ em cần cụ thể hóa vấn đề trẻ em với không gian mạng. Ngoài ra, cũng cần những nghiên cứu xã hội học chuyên sâu hơn nữa về tác hại từ mạng xã hội đới với trẻ em”, luật sư Nữ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.