Sinh viên nghèo tốt nghiệp ĐH có thu nhập thấp hơn người khác?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/07/2020 17:40 GMT+7

60% sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, vùng khó khăn…) có thu nhập ở mức thấp hơn thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp ĐH, dưới 7 triệu đồng/tháng.

Đó là một phần kết quả khảo sát về tình hình việc làm, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn của UNICEF Việt Nam - Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và Trung tâm hỗ trợ  đào tạo và cung ứng nhân lực của Bộ GD- ĐT thực hiện mới đây.

51,6% tìm được việc trong 12 tháng

Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là những ai? Theo khảo sát, đó là sinh viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo; sinh viên dân tộc thiểu số; sinh viên các vùng khó khăn khu vực III (chưa bao gồm sinh viên khuyết tật trong khảo sát).
Những thông tin đáng chú ý của khảo sát được thể hiện trong infographic đó là, 51,6% sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp. Hơn 50% sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn tìm dược việc làm phù hợp ngành học và việc làm yêu cầu đúng trình độ.

Một phần của khảo sát

Nguồn UNICEF Việt Nam

3 phương thức tìm việc chính của sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn là mối quan hệ cá nhân, mạng xã hội, tự liên hệ nhà tuyển dụng. Trong đó, chỉ rất ít (3,4% sinh viên liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm, tư vấn hướng nghiệp). Đáng chú ý, 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ở mức thấp hơn thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp ĐH, dưới 7 triệu đồng/tháng.
Cũng theo khảo sát trên, những trở ngại khi tìm việc của sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn đó là: thiếu hiểu biết về thị trường lao động, thiếu kỹ năng tìm việc, đặc điểm dân số (tuổi, giới tính), thiếu kỹ năng công nghệ số

Khảo sát chỉ nhận được 300 phản hồi

Theo thông tin từ UNICEF Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn được diễn ra từ đầu tháng 12.2019 đến tháng 2.2020. Khảo sát được thực hiện và trình bày tại hội thảo trực tuyến phổ biến của Bộ GD- ĐT do Chương trình Eramus+ của Liên minh Châu Âu tài trợ.
Nghiên cứu tiến hành khảo sát các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tốt nghiệp đại học ở năm 2017 và 2018 có hộ khẩu tại các tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là nhóm của các tỉnh Tây Bắc - nơi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn mức trung bình cả nước. Sinh viên trả lời phiếu hỏi trên nền tảng ứng dụng Survey Monkey.
14 tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc bao gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lao Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

Bạn trẻ ở TP.HCM tham gia ngày hội việc làm

Ảnh Lê Thanh

Nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu khảo sát đến 1.730 sinh viên được chọn ngẫu nhiên từ danh sách sinh viên tốt nghiệp có hộ khẩu ở các khu vực khó khăn và nhận được tổng cộng 300 phản hồi.
Sinh viên tham gia trả lời khảo sát tốt nghiệp từ Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Lao động Xã hội, Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì, ĐH Thái Nguyên…
Mẫu nghiên cứu đã được kiểm định tính sai lệch chọn mẫu và đã đảm bảo rằng mẫu khảo sát có tính đại diện cho tổng thể. Song, UNICEF Việt Nam thừa nhận với phóng viên báo Thanh Niên, đây là một trong những hạn chế của khảo sát vì tỷ lệ phản hồi thấp.

Người trẻ phản biện thế nào?

Nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm tới con số 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ở mức thấp hơn thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp ĐH, dưới 7 triệu đồng/tháng.
Phan Huỳnh Thảo, 22 tuổi, năm 4 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM cho biết 300 người phản hồi khảo sát là con số quá thấp, không thể đại diện cho sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
“Tôi nhìn ở khía cạnh tích cực, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ có những phẩm chất đáng quý như tự lập, mạnh mẽ, có ý chí mạnh mẽ, chủ động tài chính, biết cách quản lý tài chính thu chi. Sự thành công trong công việc và thu nhập của bạn cũng dựa trên khả năng và năng lực của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ví dụ, bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh là vì bạn có hoàn cảnh khó khăn nên không thể học ngoại ngữ…
Anh Nguyễn Thanh Đàm, người điều hành VAST Group (TP.HCM) nói với phóng viên Báo Thanh Niên, muốn có thu nhập không nhất thiết phải tốt nghiệp ĐH, nhưng những sinh viên tốt nghiệp ĐH, khi đi làm thì ngoài thu nhập sẽ có, còn được dùng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mình học hỏi được để giúp ích cho mình, người khác, cộng đồng.
Theo anh Đàm, thu nhập của mỗi sinh viên khi tốt nghiệp ĐH thay đổi theo thời gian và sẽ không giống nhau. Đồng thời, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ĐH phụ thuộc vào năng lực, gồm kiến thức đã có; kỹ năng được luyện rèn và thái độ, phẩm chất khi làm việc. Nó không bị phụ thuộc vào xuất phát điểm của bạn, bố mẹ bạn giàu hay nghèo (trừ những trường hợp có sự hỗ trợ tài chính, công việc từ gia đình).
Có thể một bạn ra trường, làm đúng chuyên ngành, được 6 triệu đồng một tháng, bạn chăm chỉ chịu khó và tích lũy thêm kinh nghiệm, một vài năm sau đó bạn có thể được 10 triệu đồng một tháng, rồi con số này lại tiếp tục tăng hơn trong vài năm nữa. Theo anh Đàm, nếu có sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, thấy làm được 6 triệu một tháng thấp quá, bạn bỏ ngang để làm công việc nhàn hơn, “ăn xổi” hơn cũng được số tiền như vậy, nhưng lâu dài, bạn “lỗ” là chắc chắn.

Người trẻ cho rằng thu nhập phụ thuộc vào năng lực, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh

Ảnh Thúy Hằng

Trong khi đó, Trần Phước Lâm Duy, 18 tuổi, con trai người làm nông ở Lâm Đồng vừa giành học bổng 3,2 tỉ đồng của VinUni cho hay: “Với những người biết vươn lên, chịu phấn đấu thì hoàn cảnh khó khăn là môi trường rất tốt để nuôi dưỡng tinh thần và khả năng sống trong nghịch cảnh của họ. Các bạn có hoàn cảnh khó khăn nếu khi lên thành phố sẽ chịu học tập, chịu cực khổ hơn. Hơn hết, tôi nghĩ họ sống quen trong điều kiện khó khăn là một kĩ năng tốt để phát triển dù công ty bấp bênh (như đợt dịch vừa rồi), chèo lái được công ty với vốn ít, mới thành lập và chịu bỏ công sức, chịu cực khổ để công ty thành công (vì đã quen với điều này trong cuộc sống)”.
Tuy nhiên, theo Duy, việc sinh viên tốt nghiệp ĐH có hoàn cảnh khó khăn thu nhập cao hay thấp hơn cũng tùy họ có vươn lên hay không. “Với những người chỉ bình thường (không có ý chí phấn đấu) thì việc có hoàn cảnh khó khăn sẽ giới hạn năng lực của họ và họ không thể học tập để phát triển hết năng lực. Nên việc có thu nhập thấp hơn những người cũng bình thường giống họ sinh ra ở thành phố là dễ hiểu”, Duy nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.