Từ những vật dụng thường ngày
Là giáo viên dạy môn tin học tại tỉnh miền núi, thầy giáo Dương Anh Vũ luôn trăn trở trước thực trạng học sinh (HS) thường phải “học chay” do thiếu thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giảng dạy. “Sĩ số trung bình mỗi lớp khoảng 40 HS nhưng chỉ có một chiếc kính hiển vi. Trong giờ thực hành môn sinh học, các em phải chia nhóm để học, tuy nhiên thời gian được tiếp xúc với kính rất ít. Các phương pháp học cũ vừa tốn kém, mất thời gian vừa không mang lại hiệu quả”, thầy Vũ cho hay.
Theo thầy Vũ, có thể giải quyết được các vấn đề nếu có một máy chiếu đa vật thể nhưng trên thị trường giá thành lên đến hàng chục triệu đồng. Những loại rẻ hơn thì độ nét thấp, không có chức năng phóng to, việc cài đặt khó khăn, chưa kể phải bỏ thêm chi phí mua webcam để HS quan sát dẫn tới việc học ít đạt kết quả cao. Vì vậy, thầy Vũ đã sử dụng điện thoại thông minh của mình kết hợp với những nguyên vật liệu như: gậy selfie, kẹp điện thoại, một hộp gỗ cứng dùng làm bàn chiếu, một thấu kính nhỏ, 3 đèn chiếu sáng sử dụng nguồn USB, 2 miếng nhựa meka, cáp nối, một CD có tích hợp sẵn phần mềm chiếu màn hình điện thoại lên PC... Bộ dụng cụ này đã giúp cho việc giảng dạy có ứng dụng khoa học công nghệ thông tin được thuận lợi hơn, đỡ tốn thời gian giảng dạy và còn hỗ trợ giáo viên chuẩn bị nhiều việc khác.
tin liên quan
Cô giáo hóa thành phù thủy để học sinh lấy lại cảm hứng ôn thiCông dụng của máy chiếu là để chiếu bài tập, phiếu bài tập trước và sau khi HS làm để nhận xét, so sánh, sửa chữa những sai sót của HS mà không cần bảng phụ, bảng nhóm. Qua đó, có thể nhận xét cách trình bày lời giải, cách lập luận, chữ viết, hình vẽ, các ký hiệu… của HS.
Tiết kiệm 20 lần và những giá trị lớn
Thầy giáo Vũ cho hay: “Nếu trước đây HS làm việc theo nhóm muốn hiệu quả cần dùng bảng phụ bằng giấy A0 trị giá 3.000 đồng; bút dạ 7.000 đồng, nam châm 20.000 đồng. Một lớp có 4 nhóm, tốn tổng cộng 120.000 đồng. Với các học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa, đây là khoản tiền không nhỏ, nhưng khi sử dụng máy chiếu đa năng với chức năng máy chiếu vật thể chỉ cần 1 tờ giấy A4 giá 150 đồng, HS sử dụng bút viết bình thường thì cả lớp chỉ mất tổng cộng 6.000 đồng. Cách làm của tôi có thể tiết kiệm gần 20 lần”.
Để tiết kiệm hơn, thầy Vũ còn tích hợp thêm các tính năng như chiếu các hình vẽ, biểu đồ trong sách, các vật thể có kích thước nhỏ cần phóng to lên màn hình để HS quan sát rõ nét; quay clip minh họa quá trình thí nghiệm; soi mẫu vật nhỏ mà máy thường không thể nhìn thấy được... Đặc biệt, máy chiếu đa năng còn tích hợp thêm phần mềm chấm bài thi, bài kiểm tra trắc nghiệm. Khi chưa ứng dụng phần mềm, các thầy cô chấm bài thi rất cực. Thường các giáo viên phải mất 2 giờ để chấm bài một lớp. Nguyên lý hoạt động rất đơn giản, chỉ cần khởi động phần mềm trên điện thoại, đưa bài thi vào dưới camera và ấn nút. Phương pháp chấm thi này vừa nhanh vừa chính xác, tốc độ 40 bài/phút.
Thầy Vũ chia sẻ: “Tất cả những vật dụng liên quan được lắp ráp khi cần sử dụng và được đựng trong một hộp gỗ dễ dàng mang đi, giá thành rẻ so với máy chiếu đa vật thể, kính hiển vi, máy chấm trắc nghiệm… nhưng lợi ích mang lại rất lớn. Đặc biệt khi sử dụng máy chiếu đa năng kết nối với máy tính và máy chiếu sẽ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị và kinh tế của giáo viên so với cách giảng dạy truyền thống”.
Sáng kiến của thầy Vũ đã được nhân rộng và chia sẻ tại các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Được sự khích lệ và động viên của các đồng nghiệp, thầy Vũ đưa sản phẩm dự thi Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2017 và giành giải ba. Mới đây, sản phẩm của thầy Vũ được chọn là 1 trong 73 công trình tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo 2018 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức.
Bình luận (0)