Thế hệ trẻ nhìn lại mình để sống tốt hơn

23/07/2019 07:52 GMT+7

Cứ mỗi năm, người về viếng nghĩa trang ở Côn Đảo càng đông hơn. Ngoài thân nhân và các cựu tù, rất nhiều người - đặc biệt là lớp trẻ ở khắp mọi miền đất nước cũng về đây...

Điều này cho thấy lớp trẻ luôn ghi nhớ những công sức đóng góp của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Các bạn sẽ nhìn những tiền nhân đã nằm xuống ở đây để nhìn lại chính mình và sống tốt hơn.
Bác Nguyễn Thị Cúc (cựu tù Côn Đảo) chia sẻ như vậy tại Lễ giỗ Côn Đảo, nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp với Ban tổ chức Lễ giỗ Côn Đảo và Ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP.HCM tổ chức ngày 22.7.

Đây là năm thứ 8 lễ giỗ được tổ chức. Rất nhiều cựu tù, đoàn viên, thanh niên và thân nhân các anh hùng liệt sĩ đã tập họp tại Đền thờ Côn Đảo để tiến hành nghi thức cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo.

Ngay sau khi Đền thờ Côn Đảo được khánh thành cuối năm 2011, các cựu tù chính trị đã đề xuất cần có một ngày giỗ chung. Ngày giỗ được xác định là 20.6 âm lịch hằng năm, dựa trên cơ sở phân tích số liệu về ngày tháng năm mất của hơn 3.200 người tù đã tìm được thông tin. Với sự ủng hộ nhiệt tình của các cựu tù chính trị, lễ giỗ chung cho tù nhân Côn Đảo được tổ chức hằng năm cho đến hôm nay.
Đại diện ban tổ chức lễ giỗ, bác Bùi Văn Toản (Phó ban tổ chức lễ) nhấn mạnh: “Mỗi năm, lực lượng tham gia càng thêm đông đảo, không chỉ có các cựu tù chính trị Côn Đảo và thân nhân mà đã thu hút các thành phần trong xã hội cùng tham gia. Ngày giỗ không chỉ được biết trong nội bộ những cựu tù chính trị mà cả nước và kiều bào ở các nước trên thế giới giờ đây đều biết. Nó đánh dấu sức lan tỏa lớn lao của việc làm chí nghĩa, chí tình, thủy chung son sắt đối với những người hy sinh vì nước vì dân”.
Trở về nơi đã từng giam giữ cả tuổi trẻ của mình trong chốn lao tù khổ ải, bác Nguyễn Thị Cúc (cựu tù Côn Đảo) bồi hồi nhớ thương những đồng đội của mình đã ngã xuống trong gông cùm xiềng xích. Bên cạnh đó, bác Cúc cũng vui mừng khi nhìn thấy ngày càng nhiều lớp trẻ về với Côn Đảo để tìm hiểu chốn “địa ngục trần gian” của thế hệ đi trước.
Trước đó, chiều 21.7, các cựu tù và đoàn viên thanh niên đã về dự lễ cúng 51 chiến sĩ cách mạng án tử hình bị giặc Pháp xử bắn tại bãi xử bắn gần Lò Vôi, lễ cúng 31 liệt sĩ tại trại 6 khu B (trại Phú An), khánh thành bia vinh danh 15 anh hùng của lực lượng tù chính trị câu lưu bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trong 113 năm tồn tại của Nhà tù Côn Đảo tại nghĩa trang Hàng Dương.
Tối cùng ngày, ban tổ chức lễ giỗ phối hợp cùng Công ty CP Báo Thanh Niên thực hiện đêm nhạc chủ đề Đất mẹ - Ơn đời tại Đền thờ liệt sĩ Côn Đảo để kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.
Càng bồi hồi xúc động hơn khi được về nơi mà người bác ruột của Đạt đã từng là tù nhân và hy sinh. Về đây, mình vừa được chứng kiến nơi giam cầm bác mình, cũng như các tử tù và cựu tù ngày xưa. Một phần rất tự hào về ý chí kiên cường của thế hệ đi trước, một phần nhói trong lòng khi nghĩ đến những đớn đau mà các bác phải chịu đựng. Đây là cơ hội để tụi mình - những người trẻ, có thể nhìn lại để rèn luyện ý chí và sống có ích hơn cho gia đình, đất nước.
Phương Tấn Đạt (Bí thư Đoàn Trường phổ thông Thái Bình Dương, Cần Thơ)
Thật sự rất xúc động khi được đến thăm các trại giam của hệ thống nhà tù Côn Đảo. Trong đầu mình cứ tự hỏi đi hỏi lại những câu hỏi là làm sao các bác có thể làm được, làm sao có thể vượt qua được? Chính những câu hỏi này cũng để tự chất vấn và nhắc nhở bản thân mình phải sống thế nào, phấn đấu ra sao để xứng đáng với công lao, nước mắt và cả máu của các thế hệ đi trước đã đổ xuống để đổi lấy hòa bình của chúng ta ngày hôm nay”.
Huỳnh Phúc Thịnh (sinh viên Trường ĐH Cần Thơ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.