Thường thức & Chia sẻ: Nhớ bến nước

18/10/2020 10:12 GMT+7

Đời má gắn với sông nước, đến khi sinh đứa con đầu lòng cũng không tách khỏi cái bến, con sông này.

 Trước con sông quê đang lộ ra một bãi phù sa tưởng như một kho báu mà nó đã giấu suốt mấy tháng nước lên, má thắp nén nhang cho ông bà, với mâm trái cây, ít xôi chè mừng đứa con của má vừa tròn hai mươi tuổi...
Đời má gắn với sông nước, đến khi sinh đứa con đầu lòng cũng không tách khỏi cái bến, con sông này.
Má kể tôi nghe, hai mươi năm về trước, một đêm mưa gió, má chuyển dạ. Trời đất tối sầm, mấy rặng cà na dưới bến rung mình dữ dội, cậu ba tôi lật đật tháo dây xuồng, đưa má đang oằn với cơn đau cùng bà ngoại run run cố nhóm cho được bó lá dừa, nhen nhóm chút ánh sáng đưa má con tôi vào bệnh viện. Đêm ấy là đêm má nhớ mãi trong đời.
Tôi tròn tuần tuổi, đón tôi về nhà, ngoài má, bà ngoại, cậu ba thì còn có cái bến nước này. Cái bến không cao vời vợi như mấy nhà khác, nó thấp và dễ đi. Đất quanh năm bị sóng vỗ nên mòn nhẵn hệt như gót chân của một đứa trẻ. Bến lúc nào cũng xanh mát bởi rặng cà na sum suê, rễ bám chặt giữ từng tất đất, ôm trọn một phần bến nước vào lòng mình.
Ngày tôi biết ngồi, mỗi lần xuống bến giặt đồ, má ôm thau đồ một bên, một bên ôm một cái thau khác đặt tôi trong đó. Má kể tôi ngoan lắm, ngồi trong thau chờ má giặt đồ xong mà không quấy khóc gì. Nước sông cứ lững lờ trôi, xuyên qua từng khe hở của mái lá dưới bến là tiếng nói cười của tôi và má.
Tôi biết đi thành thạo. Má không đặt vô thau nữa. Bến nước là nơi tôi cùng má chờ đợi. Sáng sớm, hễ nghe tiếng kèn vang vọng từ xa, tôi níu tay má chạy xuống bến, ngồi ngó nghiêng ngó dọc tìm cái ghe hàng màu xanh xanh, chở cả mong ước của tôi ngày nhỏ để chờ má mua cho bịch bánh, cây kẹo. Đó cũng là nơi má con tôi ngồi lúc trời vừa sập tối, má đốt bó lá dừa, mùi khói khen khét, đuỗi mấy con muỗi cứ vo ve quanh chân tôi, chờ tía bơi xuồng từ bên kia sông trở về sau mấy cuốc xe chở hàng liên tỉnh ròng cả tháng trời.
Ngày tôi lên mười. Mùa nước nổi cũng là mùa cà na sai trái, lá dẫu xanh um nhưng cũng không thể nào giấu đi những chùm trái to tròn, căng bóng. Cậu tư leo lên cây, rung một hồi như gió bão, cà na rụng xuống đầy cả bến nước. Tôi đứng cười, đưa tay hứng thứ quà trẻ thơ bình dị, được nuôi nấng bởi phù sa, bởi con nước và cái bến sông này.
Cái bến trở thành một nơi an toàn để tôi nương náu, mỗi lần cậu dạy học bơi tôi cứ ngồi lì ở đó vì sợ những lần ngụp lặn uống nước no cả bụng. Con nít xứ này không biết bơi là không được, bởi sông ngay trước nhà, cặp bên nhà cũng là ao là hồ đầy nước. Mấy lần tôi ngồi mãi ngoài bến, canh bắt được con chuồn chuồn rồi cho cắn rúng, ai dè, bữa cậu thả xuống mé bến, cũng hổng biết bơi!
Bến nước là cái tiệm nhỏ của tôi, nơi tôi mè nheo đòi ngoại vớt cho mấy đám lục bình để tập ‘nấu ăn’, làm bánh mì, bán cho mấy đứa con nít trong xóm.
Tôi dần lớn, ngày lên thành phố học, nơi quá nhiều hồ bơi, biển nhân tạo, rồi mấy dòng sông đang ‘chết dần” vì rác, chất thải mà tuyệt nhiên không tìm đâu được bến sông như ở quê nhà. Mấy bận nhớ quê, chỉ thèm được về lội xuống mé bến, được tắm sông rồi thi hái cà na với tụi con nít trong xóm, được ngồi nghe tiếng nước vỗ lập lờ vô chiếc xuồng ba lá nằm im lìm dưới bến, thèm thấy má ngồi nghiêng nghiêng với tay rửa hai chân lắm bùn do một hồi lặn ngụp mò ốc gạo dưới sông.
Giờ bến cũng không còn cột xuồng, mà là nơi đậu mấy chiếc xe máy cho đỡ nắng. Bờ bãi cũng cao dần theo mấy nóc nhà tường kiên cố, nhưng bến sông vẫn vậy, vẫn là bãi đất thấp, mòn nhẵn vì bao con sóng dập dìu theo năm tháng, vẫn là mái lá nho nhỏ, mùa mưa nào ngoại cũng cho lợp lại, vẫn là nơi tôi thích ra ngồi mỗi ban trưa hứng mấy đợt gió mát cả tâm hồn, vẫn là nơi má ngồi dõi mắt xa xăm mỗi chiều sập tối, đốt hết mấy bó lá dừa. Cái bến ấy gắn với cuộc đời má, đời tôi, đi vào tâm thức lúc nào chẳng ai hay. Và mấy đợt đò đưa từ bên kia sông về thăm má, chỉ khi dõi mắt ngó thấy rặng cà na nghiêng mình bên bến nước thì lúc ấy lòng tôi mới bồi hồi xao động: quê mình là đây chứ đâu.
Và đời người, dẫu có như chiếc xuồng lênh đênh đủ miệt thứ, băng qua bao kênh rạch, trải mấy bận gió sương, hẳn ai rồi cũng mong có một cái bến của riêng mình, luôn ở đó, chẳng thèm đổi thay, là nơi mình trở về để được ôm vào lòng bao dung và ấm áp.
Bến nước - quê mình, hồn mình là đây chứ đâu?!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.