Thưởng thức và chia sẻ: Chuyện đón, đưa

14/06/2020 11:09 GMT+7

Có lần, tôi nghe hai người nọ nói chuyện với nhau. Một người chuẩn bị đưa người thân ra sân bay, người kia bảo: “Nó lớn rồi, có chân thì tự đi, taxi xe ôm thiếu gì mà đưa với đón!”.

Tôi hơi hụt hẫng trước lý lẽ ấy, dĩ nhiên, người kia không đến nỗi tiết kiệm một cuốc taxi hay tệ hơn là “xe ôm”, nhưng việc họ đưa người thân ra sân bay hẳn đem đến cho họ (và cả người thân của họ) những cảm xúc khó đong đếm.
Ngược lại, khi cô bạn kể chuyện lần đầu tiên đi nước ngoài thăm người yêu mà người yêu không ra đón, bạn phải đi taxi về dù đường từ sân bay về nhà người yêu rất xa.
Mọi người bảo sao anh kia có thể để bạn dọ dẫm một mình nơi xứ người khi mọi thứ còn chưa tường tận. Bạn kể, người yêu bạn bận đột xuất vào giờ chót nên đã hướng dẫn cặn kẽ nhưng mọi người vẫn không đồng tình khi cho rằng việc không ra đón bạn vì lý do gì chăng nữa vẫn là sự thiếu tôn trọng, khó thông cảm.
Một lần, tôi bảo không ra đón được khi mẹ tôi về thăm. Bà ừ hử chẳng trách móc gì vì biết tôi quá bận rộn. Thế nhưng, đến phút cuối, tôi tranh thủ chạy ra đón, khỏi phải nói bà vui đến mức nào. Tôi tự nhủ sẽ không để người thân ở xa về mà không ra đón nữa.
Chẳng phải do điều kiện đi lại hạn chế, cũng không phải ai đó thích bày vẽ đón đưa, chỉ là vì họ muốn đem đến cho ai đó cảm giác mình thực sự quan trọng hoặc có ý nghĩa đặc biệt với họ. Thực ra, đưa - đón hay không chưa đủ nói lên mức độ của một mối quan hệ, có không hẳn đã mặn nồng cũng như không chưa hẳn đã hời hợt. Có điều, người được tiễn sẽ thấy mình được quyến luyến, người được chào đón sẽ thấy mình được mong đợi, ngóng trông.
Đừng nghĩ “ai có chân khắc tự đi, tự về”, biết đâu có một lúc nào đó giữa cuộc sống bộn bề tấp nập, bạn lại chẳng cần một bàn tay đón hay đưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.