Tôi - 18 tuổi: Chào đời lúc 0 giờ 0 phút

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/12/2018 07:30 GMT+7

Sinh ra ngày 1.1.2000, được cho là những công dân của thế kỷ 21, sau 18 năm, những em bé ngày nào đã trở thành các thanh niên thành công trong cuộc sống.

Trần Phạm Gia Bảo chào đời lúc 0 giờ 0 phút ngày 1.1.2000. Giờ đây, cậu đã lớn khôn.
Chúng tôi tìm đến căn nhà rợp bóng mát cây sa kê của gia đình Bảo. Bảo ra mở cửa, nụ cười dễ thương. Bảo nói, tên ở nhà là Bắp, nguyên văn viết là Bao Bab. Ngay từ lúc chào đời, mẹ Bảo đã mong con trai mạnh mẽ, vững chãi như cây Bao Bab giữa châu Phi bao la.

Cuốn nhật ký đặc biệt

Một ngày năm 17 tuổi, trong khi tìm đồ cũ, Bảo mở ngăn tủ và nhìn thấy cuốn sổ màu vàng nhạt. Bảo lật mở từng trang và thấy mắt mình nhòe đi từ bao giờ. “Con trai bé xíu của mẹ giống ba quá. Đôi mắt của con khi chào đời đã mở to, nhìn thật đáng yêu. Tóc của con đen và nhiều”, đó là chữ của mẹ Phạm Hồ Lan.
Phía dưới là những dòng của ba Trần Tùng Minh, cũng được viết vào ngày con trai chào đời: “Được ẵm con, nhận từ tay bác sĩ khi con vừa mới ra khỏi bụng mẹ, ba cảm thấy con thật nhỏ bé để ẵm bồng nhưng lại thấy là niềm hạnh phúc to lớn cho ba mẹ và gia đình”. Bên cạnh đó là những hình ảnh Bảo khi mới sinh, những mẩu tin của nhiều tờ báo về sự kiện công dân TP.HCM đầu tiên của thế kỷ 21…
“Tôi chưa bao giờ được biết đến cuốn nhật ký này, bố mẹ cũng ít khi nói về tôi được chào đời trong giờ khắc đặc biệt, tôi lớn lên trong tình yêu thương của tất cả mọi người. Dù tôi có 18 tuổi hay sau này lớn khôn hơn, với mẹ cha tôi vẫn luôn là cậu bé ngày nào”, Bảo xúc động.
Bà Hồ Hồng Cúc (73 tuổi, bà ngoại của Bảo) cho biết cháu trai của mình ngày nhỏ rất ngoan, dễ chăm. Vì mẹ phải đi làm sớm, từ khi còn nhỏ xíu Bảo đã được bà ẵm bồng. Khi 4 tháng tuổi, một tai nạn sau khi tiêm chủng khiến Bảo phải nhập viện cấp cứu, gia đình hoảng sợ khi toàn thân em bé tím tái, sốt cao, co giật không ngừng, may mắn chỉ sau 1 tuần nằm viện Bảo hoàn toàn khỏe mạnh. Là cháu trai đầu tiên của gia đình nhưng Bảo không được nuông chiều, Bảo được sự giáo dục nghiêm khắc của cả cha và mẹ. Bà ngoại luôn dặn dò cháu trai: “Dù con học gì, chọn ngành nghề gì, cả nhà cũng đều ủng hộ, con phải nhớ cố gắng thật nhiều để thật xuất sắc, nổi trội”.
Tôi - 18 tuổi: Chào đời lúc 0 giờ 0 phút1
Trang báo năm 2000 đưa tin về công dân TP.HCM đầu tiên của thế kỷ 21

“VN luôn trong trái tim tôi”

Trần Phạm Gia Bảo hiện là sinh viên năm nhất Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH quốc tế TP.HCM. Môn học yêu thích nhất của Bảo là lịch sử. Khi là học sinh Trường THPT Marie Curie, Bảo từng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi lịch sử cấp thành phố.

Yêu nước là trân trọng cội nguồn, là muốn cống hiến, muốn làm cho Tổ quốc mình tốt đẹp hơn

Trần Phạm Gia Bảo

Bảo chia sẻ: “Thầy giáo dạy lịch sử đã truyền cảm hứng cho tôi, mỗi khi rảnh tôi đọc sách lịch sử như một cách giải trí, tôi luôn nghĩ rằng thật đáng tiếc nếu một người trẻ không thể hiểu cội nguồn, lịch sử của cha ông”.
Là cháu ngoại của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả của những ca khúc như Bài ca không quên, Đất nước…, Bảo có tố chất nghệ thuật. Từ nhỏ, chính ông ngoại là người đầu tiên đưa Bảo đi học đàn, sau này cũng chính ông ủng hộ những quyết định của cháu trai về việc sẽ du học để có thể tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc điện tử.
“Trong nhà, tôi thân với ông ngoại hơn cả. Tôi có thể nói chuyện với ông về bất cứ điều gì, âm nhạc, văn hóa, lịch sử, môi trường... Như một dòng chảy âm thầm trong con người mình, tôi từng có quãng thời gian dài tập trung học tập, ôn thi ĐH mà bỏ bê học nhạc, nhưng sâu trong tim mình, tôi luôn muốn đi theo con đường nghệ thuật. Để có thể sống tốt khi làm nghệ thuật, cần phải có cả kiến thức kinh doanh, đó là lý do tôi chọn học ngành quản trị kinh doanh”, Bảo cho biết.
Bảo đã nhắm tới một ngôi trường tại Mỹ để có thể thỏa đam mê du học. Bảo cho biết nỗ lực của mình càng phải lớn hơn gấp bội khi ra xứ người. Về tiếng Anh, Bảo không e ngại khi từ nhỏ đã học trường quốc tế, hiện Bảo cũng đang theo học chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.
Chúng tôi hỏi vui: “Học xong biết đâu Bảo sẽ ở lại tìm việc và định cư ở Mỹ - ước mơ của rất nhiều người trẻ?”. Chàng trai khẳng định chắc nịch: “VN luôn trong trái tim tôi. Tôi từng tham gia một học kỳ mùa hè và nhớ mãi lời thầy giáo nói với mình. Yêu nước là trân trọng cội nguồn, là muốn cống hiến, muốn làm cho Tổ quốc mình tốt đẹp hơn. Yêu nước là không bao giờ xả rác ra đường, là thấy rưng rưng, trân trọng mỗi phút giây được hát Quốc ca. Dù đi xa ở đâu, bất cứ nơi nào, tôi cũng sẽ trở về”.
“Một buổi tối đặc biệt trong đời tôi”
Nguyễn Vũ Phước là một trong những nhiếp ảnh gia may mắn có mặt ở phòng sinh Bệnh viện Từ Dũ đêm giao thừa năm 2000, chứng kiến khoảnh khắc Trần Phạm Gia Bảo và những em bé thế kỷ 21 khác chào đời, cất những tiếng khóc đầu tiên. “Đó là một buổi tối đặc biệt trong đời tôi, một người đàn ông, chưa lập gia đình, lần đầu cầm máy ghi lại những khoảnh khắc một thiên thần ra đời, sẽ không bao giờ tôi quên được”, anh Phước nói.
Năm 2016, anh Phước ra mắt cuốn sách ảnh Labor of Love - Nhật ký vượt cạn, trong đó là tất cả những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của người mẹ và em bé trong suốt 16 năm chắt chiu, mỗi trang sách đều chạm tới trái tim rất nhiều người làm cha mẹ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.