Tống Phước Bảo ‘lôi kéo’ người khác đọc trang sách của mình

18/05/2021 10:00 GMT+7

Nhà văn Tống Phước Bảo (38 tuổi), hội viên Hội nhà văn TP.HCM hay Trúc Thiên (bút danh của Bảo) không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ , bởi người đọc lúc nào cũng thấy có dáng dấp hay quá khứ mình trong truyện của Bảo.

Những tản văn, bài viết về ẩm thực, du lịch, và đặc biệt là truyện ngắn của Tống Phước Bảo "phủ sóng", xuất hiện khắp các báo: Thanh Niên, Phụ Nữ TP.HCM, Người lao động, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ Công An, Nhân Dân...

Lan tỏa niềm vui

Đấy là chưa kể, hầu hết các cuộc thi viết, thi truyện ngắn mà Tống Phước Bảo tham gia, anh đều nhận được những giải thưởng cao.
Có thể kể như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới do Nhà xuất bản văn hóa - văn nghệ TP.HCM tổ chức năm 2019; giải Nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên phát động năm 2020; giải Nhất cuộc thi tùy bút Quê nhà yêu dấu năm 2020 do tập san Áo Trắng (NXB Trẻ) khởi xướng...
Thế nhưng, điều khiến nhiều người mến mộ Tống Phước Bảo, bên cạnh những truyện ngắn đầy hút hồn và mê hoặc, là ở chỗ Bảo luôn dìu dắt lứa "đàn em" mê viết có chỗ đứng trong làng văn, thắp thêm nhiệt huyết, lòng đam mê, thêm động lực và niềm tin cho những người trẻ thích viết lách.
Tống Phước Bảo lý giải: "Viết văn là một điều vui. Trong cuộc sống mình luôn phải đối diện nhiều áp lực, đôi khi khiến mình rất mệt mỏi. May mắn khi làm một người viết, đó là khoảnh khắc tôi buông bỏ những mỏi mệt cuộc đời, được tung tẩy cùng câu chữ để tìm kiếm những niềm vui văn chương. Mà đã là vui thì chuyện mình chia sẻ và hỗ trợ các cây bút trẻ hơn, các tác giả mới tập tành viết, là một sự lan tỏa niềm vui. Cuộc sống này, vốn dĩ cần hun đúc cho những niềm vui tử tế như vậy. Chưa kể, những ngày đầu chạm ngõ văn chương, tôi đã được nhiều bậc tiền bối là các nhà văn Lưu Thị Lương, nhà thơ Hồ Thi Ca, nhà văn Đoàn Thạch Biền truyền cho tôi một ngọn lửa duy trì cái đam mê viết lách. Nên giờ, tôi mong được truyền động lực, giúp đỡ cho những người trẻ hơn".
Bảo kể, khi bắt đầu hỗ trợ một tác giả trẻ nào đó thì luôn tìm hiểu kỹ thế mạnh của họ, cuộc sống của họ, thậm chí quê quán hay nhiều kỷ niệm trong cuộc đời họ... "Từ đó tôi tập họ viết lại những điều gần gũi nhất, những điều cảm xúc nhất, sau đó bắt đầu chỉ họ đâu là văn viết, đâu là văn nói, hay cách dùng phương ngữ trong văn chương... Khi họ đạt một độ chín mùi trong cách viết, tôi sẽ giới thiệu họ với một số anh chị biên tập viên để họ thử sức. Hoặc có thể giới thiệu những cuộc thi viết cho họ học hỏi kinh nghiệm, cũng như giao lưu cùng các tác giả viết khác...", Tống Phước Bảo nói.
Được biết, khá nhiều người trẻ nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của Tống Phước Bảo đã có được những thành công ban đầu trong nghiệp văn chương...

Truyền những thông điệp sống nhân văn

Chia sẻ thêm về những sáng tác của mình, Tống Phước Bảo cho biết: "Tôi viết rất nhiều chủ đề, bởi vốn dĩ xã hội có rất nhiều thứ mình có thể làm chất liệu sáng tác nên tác phẩm. Nhưng chủ yếu vẫn là những câu chuyện về tình cảm gia đình, những câu chuyện tình người tình đời, tình yêu đôi lứa... Những câu chuyện càng gần gũi, càng dễ dàng tiếp cận độc giả và truyền đi những thông điệp sống nhân văn trong cuộc đời này".
Bảo chính là tác giả của nhiều tập truyện ăn khách, được người trẻ yêu thích như: Cả một trời thương, Mình gọi nhau là cưng, Les từng centimet, Đừng vội ghét khi chưa kịp thương, Sài Gòn còn thương thì về...
Trở lại câu chuyện đã, đang và sẽ là bệ đỡ của những người trẻ mê viết, Tống Phước Bảo chia sẻ: "Tôi không mong cầu sẽ giúp ai đó tạo làn gió mới trong văn đàn. Vì hỗ trợ là một lẽ, họ có bền chí với văn chương hay không lại là một lẽ khác. Hiện nay những người trẻ mê viết có sự cởi mở trong cách nhìn, có tư duy sáng tạo. Thế nên giọng văn trẻ rất đa dạng và hấp dẫn. Tuy nhiên, khuyết điểm nhất chính là sự tự tôn thái quá trong văn chương của mình. Đôi khi họ vẫn cố chấp chưa lắng nghe lời dẫn của người đi trước. Tôi mong những người trẻ dấn thân vào con đường viết lách một cách tử tế và bền chí, đam mê và nhiệt huyết. Và hãy trường hơi với văn chương thông qua các tác phẩm thì sẽ giúp ghi dấu ấn trong lòng độc giả".
Bên cạnh viết lách, Tống Phước Bảo còn có niềm đam mê khác là làm việc thiện nguyện, hòa mình vào những dự án vì cộng đồng, giúp đỡ người yếu thế, cơ cực.
Tống Phước Bảo trải lòng: "Tôi kiếm tiền bằng môt công việc khác. Nên nhuận bút của những bài báo, những truyện ngắn... tôi thường làm thành một quỹ riêng. Và tôi dùng quỹ ấy để làm những điều tử tế. Văn chương là niềm vui của tôi, vậy thì tiền kiếm được từ văn chương nếu giúp ích cho cuộc đời, thì niềm vui ấy được nhân đôi, lan tỏa. Tôi nghĩ vậy nên cũng vận động một số tác giả trẻ chung tay thực hiện điều này. Mỗi khi cần kinh phí cho những chuyến thiện nguyện, tôi và những người bạn sẽ huy động nhau. Ai có tiền gởi tiền, ai có sách gởi sách. Chúng tôi bán chính những tác phẩm của mình gom thành quỹ và thực hiện những chuyến đi mang niềm vui đến những số phận không may mắn, hoặc khó khăn". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.