Khi hoạn nạn thì có nhau
Anh Nguyễn Thế Vinh, 29 tuổi, ngụ tại hẻm 453 Tô Hiến Thành, P14, Q.10, TP.HCM, quê Bến Tre, trước đây làm phục vụ cho một nhà hàng, nay mất việc mà không trở về quê được do lệnh giãn cách xã hội nên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong những ngày qua, ngoài lời động viên anh, anh Vinh còn được nhiều người sống cùng khu trọ san sẻ mớ rau, miếng thịt trong từng bữa ăn.
Anh Vinh kể: “Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, công việc phục vụ nhà hàng của tôi đã bị “đóng băng”. Do đó, phải chắt chiu từng đồng, tiết kiệm tối đa mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, những khó khăn của tôi cũng vơi đi phần nào khi được mọi người ở cùng khu trọ chia sẻ. Như sáng hôm qua, thấy tôi đang sơ chế cá hộp nhưng không có gì thì bác phòng bên liền cho tôi trái cà chua. Một lát sau bác lại cho thêm củ cà rốt, khoai tây... và bất ngờ hơn là miếng thịt heo kèm theo lời dặn 'lấy nấu canh ăn đi cho có chất', làm tôi cảm động rất nhiều".
|
Còn chị Nguyễn Thị Xuân Mai, 25 tuổi, ở trọ trong con hẻm 163 Thành Thái, Q.10, TP.HCM, cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận được một vài thứ như miếng bầu, trái bí… từ một người không thân thiết.
“Những ngày giãn cách xã hội, tôi phải chắt chiu nhiều thứ. Đi chợ tính toán kỹ lắm nhưng nhiều khi lại quên trước, thiếu sau. Có hôm, tôi chỉ thiếu một vài gia vị nêm nếm nên đành xin chị trọ phòng bên. Không những cho các thứ tôi cần, chị còn cho thêm mấy cái trứng, mớ rau tươi…Từ đó, tôi với chị nói chuyện nhiều hơn chứ mọi khi là… 'đèn nhà ai nấy sáng'', Mai chia sẻ thêm.
|
Anh Dũng chia sẻ: “Từ khi giãn cách xã hội, tại khu trọ của tôi mọi người quan tâm nhau nhiều hơn. Người có nhiều thì chia bớt cho người có ít, giúp đỡ qua lại. Có hôm đang ngủ trưa, thì nghe vang vọng tiếng gọi của mấy cô, dì dưới lầu 'Dũng ơi, xuống lấy chèn chè ăn nè!'. Nhiều khi tôi đem nửa trái bí qua cho ông anh phòng bên thì anh bảo 'chị Hương cho anh mớ cải xanh nấu canh rồi, em để dùng đi'. Nhiêu đó thôi cũng thấy ấm lòng mùa dịch Covid-19".
“Dịch này ai cũng khổ nhưng không vì thế mà mọi người không giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Tôi thấy nhiều gia đình dù không đủ ăn nhưng vẫn gói ghém mớ rau, mớ thịt cho nhà hàng xóm. Cả xóm chia nhau sống qua mùa dịch. Bởi vậy mới nói, không đâu bằng người Việt mình, khi hoạn nạn thì có nhau, sống thiệt tình và đầy tử tế”, anh Dũng nói.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ còn nhận được sự san sẻ của chủ trọ trong những ngày giãn cách xã hội.
Lữ Duy Tường, 24 tuổi, đang sống cùng với những người bạn của mình tại khu trọ ở Q.7, TP.HCM, không mua được nhiều thực phẩm vì tiền đã cạn. Nhưng trong tuần này, Tường lại thoái mái hơn trong việc ăn uống khi nhận được sự hỗ trợ từ chủ trọ.
Tường cho hay mấy ngày nay chủ nhà cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người hết sức cẩn thận trước tình hình dịch bệnh và có gửi cho một ít thực phẩm để dùng, trong đó có bọc cam tươi kèm theo lời nhắn “bác gửi cho tụi con ăn để tăng sức đề kháng mà chống Covid-19 nghen!”.
|
“Hôm đi "test" nhanh Covid-19 bên phường thì nhận được hai bọc rau củ quả lớn. Chúng tôi đã chia nhau ăn cũng được vài ba hôm, tiết kiệm được chi phí đi chợ. Thay vì lấy tiền đó mua rau, chúng tôi sẽ mua thêm thịt, cá để dự trữ ăn những ngày tới. Chưa bao giờ một bọc rau mà nó quý như bây giờ”, Tường háo hức chia sẻ.
|
Duy Tường kể thêm: “Bạn tôi bên xóm trọ kế bên cũng chia bớt cho chúng tôi một ít trái cây của gia đình gửi lên trong chuyến xe cuối, trước ngày Sài Gòn áp dụng Chỉ thị 16. Một nải chuối xiêm nay đã chín vàng hực, một rổ thanh long đỏ làm nao lòng”.
|
“Tôi cảm thấy cho dù xã hội có biến động, cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn như thế nào đi nữa nhưng còn cái tình người là còn tất cả. Thế mà ai bảo sống ở Sài Gòn đất khách quê người mà không ấm lòng bao giờ đâu”, Tường tâm sự.
Bình luận (0)