Trưa ngày 13.7, chúng tôi có mặt ở cư xá Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM. Tại đây, chị Hoàng Đỗ Minh Thảo, 39 tuổi, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ P.7, Q.10, TP HCM, đang chuẩn bị hàng trăm suất cơm cho bà con bị cách ly, phong tỏa ở cư xá. Công việc này chị đã làm hơn nửa tháng nay.
Cố gắng hết sức giúp bà con qua cơn hoạn nạn
Ít ai biết rằng chị Minh Thảo đã không ở lại nhà cách ly khi khu phố nơi chị sinh sống ở Q.11, TP.HCM bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. Câu chuyện bắt đầu vào sáng ngày 11.7, chị Thảo đang làm phát cơm thì bất ngờ nghe các cuộc gọi từ bố của mình, thông báo rằng khu phố của chị bị cách ly, phải về sớm. Sau những cuộc gọi, tin nhắn liên hồi, chị quyết định ở lại nơi đang làm việc, để con gái 12 tuổi và cha mẹ ở nhà.
|
“Tôi cũng khá lo lắng về cuộc sống của cha mẹ và con của mình. Nhưng trước đó, nhà đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống dự trữ cho hai tuần rồi. Còn bà con ở cư xá khó khăn hơn, không phải ai cũng có điều kiện. Nhiều gia đình bán vé số, làm thuê, giờ không còn hoạt động được nên khó khăn vô cùng”, chị Thảo nói.
“Sau khi 'test' kết quả âm tính, tôi chủ động nhờ lực lượng y tế lấy hộ vài bộ đồ đem đi. Tôi tiếp tục công việc ở cơ quan và thực hiện nhiệm vụ lo bữa ăn cho bà con ở cư xá, tối về ngủ nhờ nhà người thân”, bà mẹ 8x thông tin.
Chị Thảo còn cho hay bản thân đã tiêm vắc xin phòng dịch và tính đến hiện tại đã 4 lần "test" nhanh và ra kết quả đều âm tính với Covid-19.
|
Cư xá Lý Thường Kiệt phát hiện ca F0 vào cuối tháng 6. Hơn 1.000 người dân sống ở nơi đây phải bị cách ly. Những ngày gần đây lại xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19, do đó việc dỡ phong tỏa còn khá lâu. Với nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội, chị Minh Thảo đã và đang hằng ngày điều phối thức ăn, phân phát các nguồn rau, nhu yếu phẩm cho bà con.
Hiện tại, mỗi buổi sáng chị Thảo đi kiểm tra đồ ăn sáng, đến trưa sau khi tan làm chị hối hả tiếp tục chạy qua cư xá để hỗ trợ anh, em khuân vác cơm, thực phẩm cho người dân. Công việc lặp lại như thế vào chiều muộn.
|
“Có một số người bảo tôi “thôi sẵn dịp này ở nhà nghỉ ngơi đi” để cho người khác lo. Nhưng tôi thấy mọi người trong hệ thống chính quyền ở nơi tôi công tác làm việc rất cực nhọc, nếu có một chút sức của mình thì họ sẽ đỡ phần nào. Với lại, tôi đã được giao trọng trách điều phối như vậy đã lâu rồi, nếu đi cách ly rồi nhiệm vụ này giao cho người khác thì họ sẽ bị “khựng”, khó vào guồng công việc được”, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ P.7, Q.10, nói.
|
“Tôi nghĩ rằng bản thân không có làm gì cao siêu cả, chỉ nghĩ cần phải cố gắng hết sức giúp ba con qua cơn hoạn nạn vì dịch Covid-19 này”, chị Thảo nói.
Đây là dịp giúp con trưởng thànhChị Thảo tâm sự: “Khi ra quyết định không vào nhà cách ly tôi buồn lắm, con gái gọi hỏi 'mẹ không về, mẹ ngủ ở đâu. Tối con ngủ một mình không có mẹ à, con buồn lắm đó'. Tôi thì chỉ bảo 'con ở nhà nhớ ngoan, nghe lời ông bà, ăn uống đầy đủ'. Sau khi đi, mỗi tối tôi với bé thường hay “video call” để chuyện trò”. Điều hy vọng nhất của bà mẹ 8x này là mong qua đợt này đứa con 12 tuổi ở nhà sẽ tự lập và trưởng thành hơn. “Gần một tuần “ra đi” nghe con ở nhà tự ăn uống, giặt đồ giúp ông bà, có thể lo cho mọi thứ tôi vui lắm”, chị Thảo chia sẻ. |
Còn những đứa trẻ, cụ già đang cần giúp đỡ
Ngoài chị Thảo, có một số bạn trẻ cũng không ở nhà khi chỗ ở bị phong tỏa mà chọn phương án "ăn-ngủ" ở cơ quan để góp sức hỗ trợ cho bà con bị phong tỏa.
Chẳng hạn anh Trần Anh Tuấn, 29 tuổi, Bí thư Đoàn P.7, Q.10, TP.HCM. Anh Tuấn cho hay hôm 6.7, đang đi công tác thì nghe tin Lô H, Chung cư Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM, nhà của Tuấn bất ngờ bị phong tỏa. Lúc đầu, chàng tai 9X này hoang mang, lo lắng nhưng sau khi xét nghiệm kết quả âm tính, Tuấn quyết định về Ban chỉ huy quân sự P.7, Q.10, để theo dõi tình hình sức khỏe, cũng như hỗ trợ người dân cư xá.
|
Được biết, ngoài công tác chuyên môn bên Đoàn là hỗ trợ tặng quà cho các trẻ em cho khu cách ly, tuyên truyền vận động các em tham gia các hoạt động trực tuyến do quận và Thành Đoàn tổ chức... thì Tuấn còn phụ đi xin và khuân vác thực phẩm cho người dân ở Cư xá Lý Thường Kiệt.
"Công việc lấy cơm của tôi thường bắt đầu từ 10 giờ sáng đến khoảng 1 giờ chiều vì các ban ngành đoàn thể đăng ký lấy cơm từ nhiều quận, huyện khác nhau như Q.Tân Phú, Q.6, Q.1... Nhiều khi, đâu phải nơi nào cũng có đầy đủ như yếu phẩm như rau củ quả , mì gói mình cần, nên nhiều khi chạy phải 10 lượt đến khuya mới xin đủ số lượng", Tuấn kể lại.
|
Một tuần xa nhà, không ở bên người thân, niềm vui của Tuấn lúc này là được giúp đỡ và hỗ trợ người dân. Đặc biệt là tiếp nhận được năng lượng tích cực từng các anh, chị làm chung.
"Tôi còn sức trẻ nên hỗ trợ được bao nhiêu thì cố gắng. Nếu 14 ngày an yên trong nhà, thì không chịu nổi đâu vì bên ngoài còn những đứa trẻ, cụ già đang cần giúp đỡ. Thật sự, qua hoạt động này tôi học hỏi được nhiều bài học quý giá cho bản thân, quen được các anh, chị mới", Tuấn bộc bạch.
|
“Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở các khu cách ly, phong tỏa, tôi luôn nhắc nhở mọi người luôn khai báo y tế, thực hiện tốt thông điệp 5 K, đề cao cảnh giác phòng chống dịch Covid-19. Sau khi được tiêm chủng Covid-19 thì trung bình một tuần tất cả anh, chị trong hệ thống chính trị địa phương sẽ được xét nghiệm Covid-19 một lần để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và mọi người”, bà Trương Thùy Hương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Phường 7, Q.10, TP.HCM cho hay.
Bình luận (0)