Tràn lan YouTube nhảm: Giật mình với video thả mũ bảo hiểm từ nhà cao tầng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/10/2018 14:01 GMT+7

Thả mũ bảo hiểm từ nhà cao tầng xuống đất, làm nhà cheo leo trên cao với chỉ một cột sắt đỡ... nhiều video nội dung nhảm, câu view, bất chấp những hậu quả có thể gây tới cho cộng đồng... vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trên YouTube.

Có một thực tế phải công nhận, cùng với nhiều video nội dung nhân văn, hài hước, nhân văn thì trên YouTube ngày càng xuất hiện nhiều video nhảm, thiếu sáng tạo hoặc "sáng tạo" quá đà nhằm câu view...
Càng lạ, càng nhảm lại càng view cao
Mới đây, chúng tôi giật mình khi thấy trên bảng tin Facebook một video YouTube bạn bè chia sẻ, trong video chỉ thấy một bạn nam giới thiệu sẽ quăng một cái mũ (nón) bảo hiểm từ tầng 81 một toà nhà ở TP.HCM, được biết là cao nhất Việt Nam xuống đất. Chiếc nón bảo hiểm rơi đùng xuống mặt đất, may mắn nó rơi vào lề đường, không có ai phía dưới bị sao. Có một dòng chữ cảnh báo ở đầu video rằng mọi người không nên làm theo. Tuy nhiên, chúng tôi thắc mắc, không biết giá trị, thông điệp gì trong video này muốn truyền tải tới cho mọi người?

"Thật biết đùa. Nhưng kém biết nghĩ quá. Có thể video dàn dựng. Có thể anh ta không leo tới tầng 81 để thả cái nón bảo hiểm. Nhưng nếu nhiều bạn trẻ bắt chước theo, cũng thả nón bảo hiểm hay thả đồ gì từ trên cao xuống, trúng người phía dưới thì sao?", một tài khoản tên là Nguyễn Trung Nghĩa, sinh sống tại TP.HCM bức xúc.
"Tôi thấy video này có gì hay để có hàng triệu lượt xem? Chúng ta càng xem những video như thế này, càng khiến chủ nhân của kênh có lượt view lớn, họ lại càng được đà và sản xuất những cái tào lao khác", anh Trần Hoàng Việt, 25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, làm việc tại TP.HCM thẳng thắn.
Hôm 5.10, video thả mũ bảo hiểm này đã bị xóa khỏi YouTube.
Theo dõi trên YouTube, không bất ngờ với những video có lượt xem trên 2 triệu lượt hoặc trên 5 triệu lượt, nhưng có những nội dung không được đầu tư nhiều chất xám, thậm chí là sao chép, ăn cắp bản quyền từ nhiều kênh khác.
"Có những người cứ nhậu xỉn là live-stream (phát trực tiếp) trên Facebook rồi những video này lại được phát trên YouTube. Nội dung trong đó, họ toàn nói lảm nhảm gì không, rồi ca hát, rồi uống rượu... thế nhưng lượt xem rất lớn. Tôi cũng không giải thích được vì sao?", anh Hồ Phương Ninh, sinh viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nói.
"Ăn theo cơn sốt phim Gạo nếp gạo tẻ trên truyền hình, nhiều người sở hữu các kênh YouTube giật tít về các tình tiết trong các tập cuối, nhưng khi bấm vào trong, nội dung chỉ là các đoạn phim các tập trước bị cắt, dán, cảm giác ức chế vô vùng khi bấm vào những đường link như vậy", chị Hoàng Thị Nga, chủ shop quần áo Phương Nga, chợ Rạch Ông, đường Nguyễn Thị Tần, quận 8, TP.HCM, nói.
Hết hồn với thử thách làm nhà cheo leo trên cao
Mới đây, tài khoản YouTube NTN Vlogs (chủ nhân là N.T.Nam) khiến người xem thót tim khi anh này đăng video Thử làm nhà trên không. Căn nhà có khung sắt, vỏ bằng gỗ, sơn màu vàng, cheo leo giữa không trung, cách mặt đất gần chục mét chỉ được nâng đỡ duy nhất bằng một chiếc cột thẳng đứng. Nam trèo thang lên căn nhà như tổ chim trên cao, sau đó đẩy thang ra xa, một mình ngồi trong căn nhà chơ vơ giữa trời và nói chuyện với các khán giả qua chiếc máy quay. "Tôi sẽ còn làm video thử thách 24 giờ sống ở trong căn nhà này", anh giới thiệu trong video.
Bạn Nam ngồi cheo leo trên căn nhà giữa trời Ảnh chụp màn hình
Đáng chú ý, video thu hút hơn 4 triệu lượt xem sau 2 tuần. Nhiều bình luận chê trách Nam quá liều lĩnh khi tự đặt mình vào nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều bình luận còn châm biếm khi ngợi khen tinh thần dũng cảm, "biết hy sinh vì nghề nghiệp" của Nam.
"Đâu là tính giáo dục của những video lượt xem khủng này của các bạn trẻ? Dũng cảm ư, sáng tạo ư, tôi không đồng tình. Căn nhà có duy nhất một cái trụ đỡ mỏng manh, trèo lên bằng chiếc thang gỗ lỏng lẻo, bạn nam trong video không mang theo dây bảo hiểm hay cái gì an toàn, chỉ trượt chân thì không biết điều khủng khiếp gì xảy ra. Dẫu biết lượt xem lớn thì tiền mà YouTube chi trả càng lớn. Nhưng các bạn liều mạng để có những video như thế thì có đáng không?", anh Hồ Minh, 34 tuổi, một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực YouTube tại TP.HCM, nói.
Chị Nguyễn Phương Thảo, 39 tuổi, giáo viên mầm non, trú phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM, thốt lên: "Tôi không biết những đứa trẻ như con tôi xem video này xong và bắt chước làm theo, không biết hậu quả sẽ ra sao? Có phải ai cũng đọc lời khuyến cáo của người làm, là đừng bắt chước, đừng làm theo. Những cách truyền thông độc hại này vẫn đang ngày ngày nở rộ trên mạng". (Còn tiếp)
Đón đọc Tràn lan YouTube nhảm: Hệ luỵ từ những video thiếu nhân văn
Người trẻ, nhất là trẻ em sẽ bị "đầu độc" như thế nào từ những video nhảm nhí, thiếu tính nhân văn trên YouTube hiện nay? Làm sao để bảo vệ chính mình và con em mình khỏi thế giới YouTube như trăm hoa đua nở?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.