'Việc gì phải xếp hàng, lấn lên trên đi'

28/09/2017 10:55 GMT+7

Trên là câu nói của một học sinh khi đang xếp hàng đợi mua trà sữa. Câu nói này đã khiến nhiều người tuân thủ lối sống văn minh, lịch sự nơi công cộng phải trố mắt ngạc nhiên.

Theo quy định của quán trà sữa (ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), khách phải xếp hàng khi đặt thức uống. Người đến sau phải đứng sau người đến trước. Thế nhưng có ba học sinh mặc áo thể dục của Trường THPT M. (Q.3, TP.HCM) dù đến sau, nhưng vẫn chen lấn lên phía trên. Nam sinh đi cùng thúc giục: “Sắp trễ giờ học rồi, lo mua đi. Việc gì phải xếp hàng, lấn lên trên đi”. Nhiều vị khách thở dài ngao ngán khi nghe câu nói này.
Thực tế, việc nhiều người không có ý thức xếp hàng khi ở nơi công cộng như: thang máy ở các trường đại học, các địa điểm ăn uống, nơi tính tiền ở các trung tâm thương mại… diễn ra rất nhiều.
“Mình đến trường bằng xe buýt mỗi ngày nên thấy cảnh chen lấn, xô đẩy diễn ra thường xuyên. Có bạn đứng phía sau nhưng sợ không có ghế ngồi nên vội chen vào vượt lên, họ bất chấp tất cả, họ đẩy cả những người già”, Huỳnh Thư, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết.
Còn tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều người lớn vừa chen lấn, vừa nói lý do “mình vội quá”, “mình phải về gấp” để vượt lên phía trên. “Có lần mình không đồng ý thì bị nạt nộ”, Hoài Hương, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, nói.
Hình ảnh “xốn mắt” ấy còn xuất hiện ở những rạp chiếu phim. Nhiều bạn trẻ không thích xếp hàng theo quy định, chỉ muốn… đi đường tắt. “Thấy mấy người mà không có ý thức xếp hàng, mình không biết nói sao luôn. Họ không có văn hóa. Nói với những người này mệt lắm”, Thanh Tuyền, học sinh Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) chia sẻ.

tin liên quan

Sao Việt nào học giỏi nhất?
Nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng trong giới showbiz Việt sở hữu thành tích học tập 'khủng'. Chính vì thế, câu hỏi 'sao Việt nào học giỏi nhất' luôn thu hút sự tò mò của khán giả.
Xuân Hương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể: “Lúc trước ở trường mình cũng hay xảy ra tình trạng sinh viên chen lấn khi xếp hàng vào thang máy. Nhưng về sau thì tình hình này không còn. Có lẽ là vì sinh viên thấy các giảng viên, nhân viên của trường cũng thực hiện việc xếp hàng rất nghiêm chỉnh, nên họ thấy nhột và làm theo”.
Theo chuyên viên tâm lý Lư Kim Khánh (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), văn hóa xếp hàng của người Việt còn khá kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Do phần lớn mọi người thiếu sự kiên nhẫn, không muốn chờ lâu để lỡ mất công việc khác. Ngoài ra, do chúng ta vẫn chưa có thói quen xếp hàng, hay cho rằng việc chen lấn, giành vị trí tốt sẽ được giải quyết công việc trước. Và quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của mọi người đối với tập thể chưa cao, hành xử nhất thời vì lợi ích bản thân trước mắt mà bỏ qua những vấn đề chung.
Xếp hàng là hành động đẹp của nhiều bạn trẻ Ảnh: Thiên Di
“Chúng ta thường bị tâm lý đám đông ảnh hưởng, khi ở trong tập thể, chỉ một hai người có ý thức chờ đợi, trong khi những người khác chen lấn xô đẩy, bản thân họ sẽ cảm thấy thiệt thòi và bỏ qua ý thức của bản thân trong thời điểm đó để hùa theo đám đông. Việc chen lấn xô đẩy, giành giật vị trí tốt trong một số trường hợp sẽ khiến tập thể nảy sinh mâu thuẫn, khiến tâm lý chúng ta trở nên căng thẳng, bức bối và dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiềm chế. Mặc khác, nhiều người đến sau được ưu tiên vì các mối quan hệ hoặc các nguyên nhân khác sẽ khiến việc xếp hàng trở nên vô nghĩa. Vậy nên, có người không biết văn hóa xếp hàng, nhưng cũng có người vì những tác động và ý thức chung mà lờ đi ý thức của bản thân”, bà Khánh cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.