'Tiểu đường' vẫn thường xuất hiện

22/09/2017 20:21 GMT+7

Hành vi tiểu tiện bậy nơi công cộng đã tăng mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng lên 1 - 3 triệu đồng. Thế nhưng hình ảnh không đẹp ấy vẫn còn xuất hiện khá nhiều.

Thừa nhận từng là “người trong cuộc”, khi cũng từng… “tiểu đường” (cách nói ví von đối với những người tiểu tiện ngoài đường), Thành A., sinh viên một trường đại học ở Q.2, TP.HCM, nói: “Có đôi khi 'mắc' quá, chẳng biết làm sao, nên đứng lại… làm liều”.
Bà Thu, nhà ở đường Cách mạng tháng 8 (Q.10, TP.HCM) cho biết gần nhà bà có quán cháo khuya, cứ tối đến, khách ăn ở quán không “nhịn” được là… đụng đâu tiểu tiện đó. “Thậm chí 'xả' trước cửa nhà tôi”, bà Thu bức xúc.
Tấn Phát, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết ngày 19.9 vừa qua, khi đi xe buýt từ nhà ở đường Lý Thái Tổ (Q.10) xuống Q.Thủ Đức (TP.HCM), đã cảm thấy khó chịu, “xốn mắt” khi thấy hình ảnh tiểu tiện nơi công cộng xuất hiện đến 4 lần. “Người thì 'xả' ở gốc cột điện, người thì tiểu ở gốc cây… Nếu người nào cũng thiếu ý thức như vậy thì làm sao xã hội này văn minh lên được?”, Phát thắc mắc.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), dù với bất kỳ lý do gì thì hành vi "tiểu đường" là một hành vi thiếu văn hóa. Bởi lẽ vừa làm ảnh hưởng đến môi sinh, đến không gian sống của cộng đồng đặc biệt là làm méo mó, xấu xí hình ảnh của chủ nhân của những hành vi đó.
Nhưng có lẽ hành vi này khá quen thuộc với nhiều người và cũng có nhiều người biện minh là "lỡ rồi phải tìm chỗ giải quyết thôi, có ai muốn vậy đâu..." mà hành vi xấu này trở thành một "căn bệnh" được "phổ cập" trong mắt nhiều người.
“Để giải quyết vấn đề này, mỗi người chúng ta phải ý thức được cuộc sống ngày một văn minh và chúng ta phải trở thành những con người có văn hóa. Và việc đi vệ sinh đúng nơi quy định là một việc căn bản nhất mà một người có văn hóa phải đảm bảo. Chúng ta hay dạy trẻ em, thậm chí là thú cưng ở nhà đi vệ sinh đúng nơi mà người lớn mình lại 'tùy hứng' như vậy thì sao chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, dán biển cấm ở những nơi có xác suất trở thành nhà vệ sinh 'lộ thiên' là cần thiết. Kết hợp với việc giám sát xử phạt nghiêm những hành vi này từ phía cơ quan chức năng sẽ giúp cải thiện vấn đề này”, ông Duy đề xuất.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.2.2017. Theo đó sẽ phạt nặng hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng. Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng (gọi tắt là nơi công cộng) sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (mức phạt cũ là 200.000 - 300.000 đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.