Xu hướng đơn độc của giới trẻ Hàn Quốc

10/08/2017 19:36 GMT+7

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc muốn đơn độc trong mọi hoạt động, từ ăn uống đến thậm chí làm đám cưới một mình.

Với một đất nước Á Đông coi trọng văn hóa cộng đồng và tập thể như Hàn Quốc, những người thích sinh hoạt một mình thường chịu định kiến là “bất thường, lập dị, tự kỷ hoặc bị đào thải”. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thanh niên muốn sống đơn độc để tìm kiếm “thời gian riêng” và phản kháng áp lực xã hội.
Theo số liệu chính thức, số hộ chỉ có 1 người tăng dần trong những năm gần đây, chiếm 27% tổng số hộ ở Hàn Quốc vào năm 2015. Trang Quartz dẫn lời các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân như ngày càng nhiều người rời bỏ gia đình đổ xô về thành thị tìm cơ hội và không có nhu cầu kết hôn sớm. Kết quả khảo sát cho thấy chưa tới 50% phụ nữ Hàn Quốc nghĩ họ sẽ phải kết hôn. Năm ngoái, số cặp đăng ký kết hôn giảm xuống mức thấp kỷ lục là 281.600 cặp.

tin liên quan

Nguy cơ tự sát vì mạng xã hội
Thanh thiếu niên ngày nay dễ bị trầm cảm, ít đi chơi và có tỷ lệ tự sát cao hơn so với các thế hệ trước, tạp chí The Atlantic dẫn lời Giáo sư Jean Twenge thuộc Đại học San Diego State (Mỹ) cảnh báo. 
Đáp ứng xu hướng này, nhiều dịch vụ từ ăn uống đến bán lẻ thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử… cũng đang nhanh chóng cung cấp dịch vụ và sản phẩm dành cho 1 người. “Chúng tôi chào đón những người tới uống rượu một mình”, quán bar Gitteol ở khu Hongdae, nơi giải trí thời thượng của thanh niên Hàn Quốc, tại Seoul viết trên tấm biển quảng cáo treo ngoài cửa. Bên trong, những chiếc bàn dành cho khách hàng đi theo nhóm đã bị giảm bớt và thay bằng nhiều chỗ ngồi đơn lẻ. Tương tự, nhà hàng thịt nướng Yuk Cheop Ban Sang ở Seoul quảng bá thử thách “ẩm thực một mình 8 cấp độ”, ăn theo trào lưu “cấp độ mì cay” trước đây.
Theo đó, ăn mì gói một mình tại cửa hàng tiện ích chỉ là cấp độ 1, trong khi ăn thịt nướng một mình mới là “đỉnh” vì đây được xem là món ăn chuyên dành cho các cuộc họp mặt bạn bè và gia đình. Tại nhà hàng, nhiều thực khách trẻ tuổi gắp những miếng thịt nhỏ đặt trên vỉ nướng cũng nhỏ. Đối diện họ là bức tường gắn ổ cắm để sạc điện thoại. “Trước đây, người ta thường liếc xéo mỗi khi thấy tôi ngồi ăn một mình nhưng giờ thì cũng bớt rồi. Đi ăn một mình đã trở thành trào lưu mới ở Hàn Quốc”, nữ nhân viên ngân hàng Park Da-som, 25 tuổi, chia sẻ.
Không chỉ có chuyện ăn uống mà nhiều người trẻ còn mặc áo cưới và chụp ảnh một mình hoặc tổ chức tiệc mời khách hẳn hoi. Chi nhánh Hãng mỹ phẩm Lush của Anh ở Hàn Quốc mới đây tổ chức hôn lễ cho một nhân viên nam, tặng quà và cho anh nghỉ phép đi “hưởng tuần trăng mật” dù không hề có cô dâu nào. Nữ nhân viên văn phòng Yang Eun-joo, 32 tuổi, hãnh diện khoe với phóng viên Quartz ảnh cô xúng xính tạo dáng mặc áo cưới. “Có lẽ tôi sẽ không kết hôn, nhưng tôi muốn được mặc váy cưới một lần lúc còn trẻ”, cô nói.

tin liên quan

Giới trẻ Ấn Độ chung tay chống bạo lực
Ngày 7.8, Tổ chức Quốc tế chăm sóc nạn nhân và ngăn ngừa tội phạm (PCVC) ở thành phố Chennai, Ấn Độ phát động chiến dịch mang tên “Đoàn kết thanh niên” nhằm khuyến khích người trẻ thúc đẩy bình đẳng giới trong trường học, gia đình và cộng đồng.
Trong khi đó, sản phẩm trái cây kích thước nhỏ 1 người ăn của Emart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc đang rất hút hàng; còn các cửa hàng tiện ích thì “bội thu” nhờ khẩu phần ăn 1 người và cà phê mang đi. Tập đoàn tài chính KB mới đây đã tiến hành nghiên cứu về những người sống độc thân và kết luận rằng đây là nhóm người tiêu dùng mới, đồng thời kêu gọi có quan điểm tích cực đối với họ.
“Bạn chỉ sống một lần”
Các chuyên gia cho rằng giới trẻ chọn lối sống đơn độc là hành động đối phó áp lực từ gia đình, xã hội muốn họ phải cạnh tranh khắc nghiệt để thành công trong học tập và sự nghiệp. “Nhiều người Hàn Quốc cho đến gần đây vẫn không thể thoát ra khỏi áp lực của một xã hội đánh giá cao văn hóa cộng đồng. Giới trẻ không muốn bước theo vết xe của các thế hệ trước nên phản kháng bằng cách khẳng định chủ nghĩa cá nhân”, Giáo sư Katharine Moon thuộc Đại học Wellesley (Mỹ) nhận định.
Tương tự, Giáo sư Jeon Mi-young tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng giới trẻ đang theo trào lưu YOLO (You only live once - Bạn chỉ sống một lần) nên họ chỉ muốn sống cho hiện tại chứ không phải cho tương lai hay vì người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.