|
Tán chung, “dính” riêng
Bữa cơm trưa ở cơ quan có đến năm sáu nàng nhưng chỉ có một chàng. Đó là Phong. Là của hiếm nên các nàng tập trung chọc ghẹo. Thôi thì mọi lời lẽ tô vẽ gọt tỉa đều được trút sang anh chàng này. Đơn thuần đây chỉ là một cách giỡn để xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng.
Công bằng mà nói, Phong nhà ta cũng thuộc loại “nhọn mỏ” nếu đối đáp tay đôi. Đằng này các nàng nháy nhau “dàn hàng ngang” tán… tập thể nên anh chàng nhiều phen đỏ mặt rồi “cấm khẩu”. Biết đó là những câu sáo rỗng, trời ơi đất hỡi nhưng các nàng nói hoài nên một ngày đẹp trời Phong bỗng thấy ngòn ngọt. Vậy là cứ mười câu, anh chàng lẳng lặng mang về nhà vài câu, lâu lâu nằm ngửa nhổ râu, nhớ lại để thấy mình vẫn đào hoa lắm.
Thu Vân nói: “Anh Phong mặc đồ thật điệu, làm nổi bật cái “bo đì” (body) rất đàn ông. Đứng gần anh em thấy tim mình xao xuyến lạ”. Diệu Quỳnh: “Nhìn anh Phong, tao thấy lao xao, bụng nôn nao như nghe mùi nhộng xào sả ớt”. Diễm Hương: “Phong là gió, gió là Phong / Một người chín nhớ mười mong một người”. Hồng Ánh: “Bữa cơm mà thiếu ảnh, tao thấy tâm hồn bồn chồn thương nhớ lắm”. Tuyết Nga: “Vắng anh Phong, tao thấy… bầu trời cơ quan như vần vũ mây đen, bàn làm việc rối ren, cứ thắc thỏm chờ cuộc gọi leng keng của ảnh. Ui, kiểu này Tuyết Nga thành... Tuyết Ngơ mất”.
“Coi chuyên gia tán tỉnh nè, phải dĩ thực vi tiên. Ăn đi anh. Nói đông nói tây sao bằng miếng thịt này trao gửi”, Ngọc Lan (đã ly hôn) vừa nói vừa gắp thịt cho Phong. Tỏ ra không kém cạnh “nhà thơ” Diễm Hương, Lan cong môi đọc: “Muốn yêu thì phải cho ăn/ Làm gì có chuyện thơ văn mà thành”. Cả nhóm rần rần khen Lan thực tế và “nhất trí” rằng Lan đã tán “dính” Phong trong khi anh này vừa nhai vừa sướng. Hôm sau, bàn làm việc của Lan được ai đó lặng lẽ đặt một giò phong lan.
Hầu như bữa nào các nàng cũng có những câu đưa Phong vào “mê lộ”. Và sự lặp đi lặp lại đã trở nên... tai hại.
Từ thịt này suy ra… thịt khác
Không biết tai vách mạch rừng kiểu gì mà Phương, vợ Phong, “đọc” được những bữa cơm… trữ tình mà chồng mình và Ngọc Lan là “cặp đôi hoàn hảo”. Phương tra vấn chồng rồi “hạ” một câu hỏi đanh thép: “Có hay không?”. Lần đầu được ghen, Phong sướng lắm, cười hè hè, tay vỗ bụng: “Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không”. Đang tức cành hông mà bị bỡn cợt, Phương hét lên: “Một lần nữa tui hỏi…”. Đến lượt Phong nổi khùng: “Có thì sao?”. Sau câu trả lời lấp lửng đó, căn phòng vang lên những âm thanh không êm ái chút nào. Ông tổ trưởng dân phố ghi nhận: Bể 3 chén, 2 đĩa, bay nắp nồi cơm điện, nát 1 “mooc” ti vi. Bình trà bị sứt vòi. Nứt màn hình điện thoại.
Phương đâm “đơn ghen” lên cơ quan. Giám đốc gọi 6 nàng và 1 chàng họp kín, đồng thời yêu cầu Phong - Lan viết giải trình. Sếp dằn cây bút đánh cạch trên bàn xổ một tràng bực tức: “Trong lúc công ty đang khó khăn thì các người tí tởn đùa bỡn với nhau tới mức kiện tụng. Văn bản nè, cô Lan là bị đơn, còn cậu Phong, hổng biết là tiểu nạn hay là… đại hỷ đây. Nhưng tôi nói thẳng, cậu hay tưởng... bở, lại thiếu bản lĩnh trước vợ con thì không nên bén mảng tới đám đông phụ nữ. Còn quý cô, giỡn già quá coi chừng mang hậu họa. Nhứt là cô Lan, bữa nào cũng gắp thịt cho cậu Phong. Từ thịt này người ta có thể suy ra… thịt khác. Nguy hiểm lắm”.
Lan đang ngồi nghĩ lại mình thì Phương đến nhà nói em chỉ dằn mặt lão Phong thôi. Em hiểu chị mà. Em biết là em ghen non. Nhưng chị ơi, thà ghen non còn hơn để “tình già”, gốc sâu rễ bền mới ghen thì trớt huớt!
Trần Cao Duyên
>> Sống thật, ghen cuồng
>> Ghen
>> Mù quáng vì ghen
>> Ghen trên “phây”!
Bình luận (0)