Giọt cà phê của ký ức

22/02/2015 15:46 GMT+7

(TN Xuân) Sau khi khuấy đều cho đường tan, khách chậm rãi đổ cà phê ra đĩa sành để mau nguội rồi mồi một điếu thuốc, rít thật sâu, nhấp ngụm cà phê trong đĩa. Có người còn húp xì xụp…

(TN Xuân) Sau khi khuấy đều cho đường tan, khách chậm rãi đổ cà phê ra đĩa sành để mau nguội rồi mồi một điếu thuốc, rít thật sâu, nhấp ngụm cà phê trong đĩa. Có người còn húp xì xụp…

Giọt cà phê của ký ứcÔng Lưu Nhân Thanh với 40 năm bán cà phê vợt - Ảnh: Đ.T
Ba tôi nghiện cà phê. Ông là người Sài Gòn. Gần 75 năm sống ở đất này, ông đã kể cho tôi nghe nhiều về cà phê, về cách pha chế cũng như gu thưởng thức của người Sài thành.
Thập niên 1950 có thể nói là thời gian bùng nổ cà phê ở Sài Gòn với hàng loạt quán xá từ bình dân đến những nhà hàng sang trọng, phục vụ dân bản địa và cả người nước ngoài. Tầng lớp bình dân uống cà phê trên lề đường, dọc các con hẻm nhỏ chằng chịt. Cà phê được pha trong một chiếc túi vải hình phễu, may cặp với cọng kẽm làm vành và cán. Cà phê pha kiểu này gọi là cà phê vợt, cà phê kho hay vớ.
Gặp ông Lưu Nhân Thanh (75 tuổi) có 40 năm bán cà phê vợt ở Q.5, ông nói gần cả đời sống bằng nghề này nuôi vợ con. Đứng trong cái sân nhỏ của ngôi nhà bạc màu thời gian, cà phê ông pha rất kỳ công: cho vào vợt rồi nhúng vô siêu nước đun nóng, tay cầm đũa khuấy đều gọi là kho. Tỷ lệ cà phê và nước sao cho đậm đà hương vị, không nhạt nhẽo hay loãng quá chính là bí quyết. Để một lát độ vài phút, ông Thanh đổ nước cà phê vào chiếc bình nhôm và giữ nóng bằng bếp than. Suốt bao nhiêu năm dài, ông Thanh đã làm như thế. Từng giọt cà phê thơm lừng đến với thực khách mỗi ngày đã khiến lưng ông còng xuống với gánh nặng thời gian. Đôi bàn tay nhăn nheo theo tuổi tác vẫn thoăn thoắt bên chiếc vợt cà phê nâu sòng. Ông Công, khách uống cà phê quán ông Thanh từ lúc còn thanh niên, nay tóc bạc trắng, nói khó mà quên được hương vị cà phê ở đây bởi ông không chỉ uống cà phê mà còn “uống” cả thời gian chất chứa nhiều kỷ niệm của một đời người quanh con phố nhỏ với bao chuyện vui buồn.
Uống cũng phải biết cách
Pha cà phê đã cầu kỳ, uống cà phê càng phải biết cách hơn. Ông Đỗ Văn Quan (74 tuổi, ở Q.6) kể, thời xưa vào tiệm nước kêu ly xây chừng (cà phê đen nhỏ), ngồi trên ghế đẩu, sau khi khuấy đều cho đường tan, khách chậm rãi đổ cà phê ra đĩa sành để mau nguội rồi mồi một điếu thuốc, rít thật sâu, nhấp ngụm cà phê trong đĩa. Có người còn húp xì xụp. “Đó mới là dân sành điệu, biết uống cà phê”, ông Quan khẳng định như thế.
Uống cà phê bằng đĩa sành bị nhiều người cho là bẩn kém lịch sự nên một số tiệm nước đưa ra cách uống cà phê mới du nhập từ nước ngoài. Đó là cà phê phin (theo chữ filtre tiếng Pháp). Dân Sài Gòn thuở đó bắt đầu học phong cách uống cà phê kiểu Pháp, tức là ngồi ở những quán bày bàn ghế ra lề đường, nhâm nhi ly cà phê ngắm ông đi qua, bà đi lại. Giới văn nghệ sĩ rất thích cà phê kiểu này, thường tập trung tại những quán cà phê vào sáng sớm hay chiều tà để bàn chuyện nghệ thuật và “rửa” mắt. Những quán cà phê nổi tiếng và sang trọng như La Pagode, Brodard, Givral ở đường Tự Do (Đồng Khởi) là nơi quy tụ nhiều người thuộc giới thượng lưu của đất Sài thành từ doanh nhân, bác sĩ, luật sư, ký giả đến văn nghệ sĩ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.