|
Có quá nhiều thảm cảnh ở vùng đất ven biển và đầm phá này.
Ở xã Lộc Tiến (H.Phú Lộc), điểm đến đầu tiên của đoàn cứu trợ, sau khi chia sẻ thiệt hại với 30 hộ dân của xã, đoàn đã tìm đến tận nhà của em Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi) và Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi), hai anh em cô cậu ruột bị sóng dữ cuốn trôi chiều 13.10.
Đến chiều 16.10, thi thể của Bảo mới được tìm thấy và được gia đình đưa về an táng ở gần nhà, trên khu đất bốn bề hoang vắng.
Còn nhà của Nam thì gia đình đang lập một chiếc bàn thờ tạm, bên ngoài sân kê chiếc bàn nhựa đốt nhang đèn để khấn cầu thi thể của em sớm được tìm thấy.
|
Người mẹ của Nam năm nay 32 tuổi, đã khóc cạn nước mắt cho đứa con duy nhất. Chồng chị mất 7 năm trước vì bạo bệnh, nay thì điểm tựa cuối cùng của chị cũng bị sóng cuốn trôi đi…
Còn chị Trần Thị Xíu, mẹ của Bảo khụy bên chiếc bàn thờ con khóc khản giọng: “Tui sinh được hai đứa, nhưng đứa đầu thì bị bệnh nhớ nhớ quên quên. Bố cháu bị mù không làm được chi, được Bảo là học giỏi, chịu khó. Hôm mưa bão, thấy nhà ăn cơm trộn muối, cháu nói thôi để cháu đi xuống biển lượm vỏ lon về bán. Ai ngờ cháu nó đi mãi không về…”.
Trao vội cho người thân em Bảo em Nam mỗi gia đình 2 triệu đồng, đoàn cứu trợ tiếp tục hành trình đến với người dân xã Lộc Vĩnh mà lòng đầy trĩu nặng.
Lộc Vĩnh là địa phương sát biển, lại gần tâm bão Đà Nẵng nên bị cơn bão số 11 tàn phá khá nặng nề. Mãi đến chiều 18.10, nhiều căn nhà tốc mái vẫn chưa lợp lại được.
|
Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Ga ngậm ngùi: “Toàn xã có trên 100 căn nhà bị tốc mái và sập, trong đó có 85 căn nhà tốc mái 75% trở lên. Chúng tôi cũng mới chỉ thống kê được ngần ấy, nhiều tài sản khác bị thiệt hại vẫn chưa thống kê đầy đủ”.
Hơn 30 suất quà đã được trao nhanh chóng cho bà con xã Lộc Vĩnh. Đón nhận chiếc phong bì có 1 triệu đồng, bà Trần Thị Gái, ở thôn Bình An 2, vội rời trụ sở UBND xã. “Có tiền rồi, tui về mua tôn ngay đây”, bà Gái bước đi gấp gáp.
Còn tại xã Lộc Bình, nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của mẹ con chị Nguyễn Thị Lan, người ở thôn Hòa An.
Một mình chị Lan đi đi lại lại giữa đống đổ nát nhặt nhạnh từng cây rui mè, từng chiếc đòn tay bằng gỗ bị gãy mà chẳng hay có đoàn đến thăm. Căn nhà nhỏ của ba mẹ con vốn yếu ớt đã không chịu nổi sức tàn phá của trận cuồng phong nên đổ sụp vào sáng 15.10.
|
Chồng chị Lan mất cách nay 7 năm sau một cơn bạo bệnh. Khoản tiền vài chục ngàn mỗi ngày bắt được con tôm con tép ở đầm Cầu Hai cũng đủ giúp chị trang trải cho hai đứa con học lớp 9 và học lớp 1. Đứa con trai út của chị học lớp 1 vừa đi học về đã vội chạy đến chiếc bàn nhỏ cố giữ lấy di ảnh bố trước cơn gió to từ đầm Cầu Hai lùa vào.
“Mấy hôm nay ba mẹ con tạm trú ở nhà hàng xóm. Chừ gom được cái chi thì gom rồi làm cái chòi tạm ba mẹ con tránh mưa tránh nắng chứ cũng chưa biết làm răng cả”, người phụ nữ tuổi 48 này nói, cố gắng không tuôn nước mắt trước đứa con thơ đang nhìn mình.
Ngoài 66 suất quà (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng) đã được trao cho 66 hộ dân tại hai xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến và một số hộ dân tại xã Lộc Bình (H.Phú Lộc), đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên cũng dành 7 suất quà (mỗi suất 2 triệu đồng) trao cho 7 gia đình ở H.Phú Lộc có người bị thiệt mạng hoặc bị thương trong cơn bão số 11. Ngoài ra, 100 suất quà (200 ngàn đồng suất) khác cũng sẽ được trao cho 100 em học sinh tại H.A Lưới bị ảnh hưởng bão lũ. Tổng số tiền được trao tặng cho bà con bị thiệt hai bởi cơn bão số 11 đợt này tại Thừa Thiên-Huế là 100 triệu đồng. |
Bùi Ngọc Long - Đình Toàn
>> Bão số 11 làm 3 người chết, 6 người mất tích, 49 người bị thương
>> Bão số 11 khiến thí sinh Vietnam Idol vừa thi vừa lo
>> Bão số 11: Nhiều đê kè bị sóng biển đánh sập
>> Báo Thanh Niên cứu trợ bà con Quảng Nam, Quảng Bình
>> Báo Thanh Niên cứu trợ tại vùng 'rốn lũ' Hà Tĩnh
>> Đoàn công tác xã hội T.Ư Hội LHTN VN đến với làng thanh niên lập nghiệp
>> Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên cứu trợ vùng tâm bão
>> Báo Thanh Niên tiếp tục cứu trợ
Bình luận (0)