Giữ 'căn cốt' đờn ca tài tử

26/04/2014 09:00 GMT+7

Festival Đờn ca tài tử quốc gia đầu tiên đã khai mạc tại Bạc Liêu tối qua (25.4), bắt đầu dựng lên một không gian đờn ca tài tử với những cuộc chơi lớn chưa từng có từ trước tới nay.

Festival Đờn ca tài tử quốc gia đầu tiên đã khai mạc tại Bạc Liêu tối qua (25.4), bắt đầu dựng lên một không gian đờn ca tài tử với những cuộc chơi lớn chưa từng có từ trước tới nay. 

Giữ “căn cốt” đờn ca tài tử 
Tiết mục giới thiệu các nhạc cụ đờn ca tài tử - Ảnh: Huỳnh Lâm

Đến dự khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, các nguyên lãnh đạo, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế và đông đảo người dân cả nước. 

Tình người - Tình đất phương nam

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cả những điệu nhạc, lời ca và tình người da diết mà cố nghệ nhân Cao Văn Lầu đã gửi lòng mình cùng 20 bản tổ cũng được lan tỏa sâu rộng hơn nhờ ứng dụng công nghệ mới về âm thanh, hình ảnh và truyền thông. Đương nhiên điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ để giữ cho được căn cốt của đờn ca tài tử, như tính tùy hứng, tính công bình đúng với tên gọi tài tử của loại hình nghệ thuật độc đáo có một không hai này. Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng những người dân của vùng miệt vườn sông nước đã và sẽ tiếp tục hòa mình vào dòng chảy văn minh nhân loại không chỉ với tư cách người được hưởng thụ, chia sẻ mà còn tham gia sáng tạo, giữ gìn và lưu truyền”.

 

Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng những người dân của vùng miệt vườn sông nước đã và sẽ tiếp tục hòa mình vào dòng chảy văn minh nhân loại không chỉ với tư cách người được hưởng thụ, chia sẻ mà còn tham gia sáng tạo, giữ gìn và lưu truyền

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Người Bạc Liêu luôn tự hào với tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Và khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tỉnh Bạc Liêu đã sớm “xung phong” đứng ra tổ chức sự kiện được xem là lớn nhất từ trước tới nay. Xem cách chuẩn bị cho sự kiện này, mới thấy tình yêu to lớn với bộ môn nghệ thuật được xem là hơi thở tinh thần, vốn ra đời để chất chứa cái nghĩa, cái tình của người phương nam. Và có lẽ bởi vậy mà chủ đề festival lần này là Tình người - Tình đất phương nam.

Bên cạnh sân khấu khai mạc, không gian đờn ca tài tử còn tưng bừng với 21 sắc màu của 21 địa phương mà ở đó, mỗi nơi thể hiện tình yêu của mình với nét riêng, khác lạ. Mỗi tỉnh có một không gian riêng lẻ, thơ mộng dưới 21 chiếc nón lá khổng lồ - mô hình cách điệu cho các địa phương tham gia sinh hoạt, biểu diễn, giao lưu. 

Chiếu bông, ván ngựa, bàn trà…

Festival lần đầu tiên này không chỉ tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sĩ góp phần bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử mà còn tái hiện hình ảnh hồn quê, duyên quê, tình quê thông qua những bài ca, hình dáng cây dừa nước, dụng cụ sinh hoạt...

Trong không gian mở được bố trí trong những mái nhà hình nón uốn quanh quang cảnh hồ Nam - hồ nhân tạo lớn nhất Bạc Liêu - các tài tử đờn, tài tử ca mang đến những tiết mục đặc sắc của quê hương mình. Không có sân khấu, họ đã chơi nhạc trong không khí tự nhiên vốn dĩ trên những chiếc chiếu bông, bộ ván ngựa, chiếc bàn trà… Người xem thì đứng hàng, đứng lớp trầm trồ với ngón đờn khéo, tài hát hay. Ở đó, sự khác biệt không chỉ có tiếng đờn, lời ca, mà cả cách bài trí.

Tài tử chủ nhà sang trọng trên bộ ván đắt tiền đúng phong cách “công tử Bạc Liêu”. Còn tài tử đến từ Cà Mau mang cả lưới, chày, rừng tràm, rừng đước đến đây. Người Cần Thơ tự hào “gạo trắng nước trong”, là thủ phủ của miền Tây Nam bộ tao nhã với cách bài trí không gian cây trái, được khán giả mến mộ đến nỗi nghệ nhân Hoàng Lưỡng tâm sự: “Đói meo cả ruột nhưng không dám rời đờn”, bởi liên tục khán giả bên ngoài đến yêu cầu xin được… hát. Thậm chí, có người giành đờn để cùng tấu khúc với các tài tử, nghệ nhân.

Người Sóc Trăng mang hình ảnh bánh pía ngọt ngào như tiếng đờn, lời ca của họ. Tài tử Sài Gòn lộng lẫy, kiêu sa thì tài tử Long An cũng tự hào là nơi gieo những hạt mầm đầu tiên của đờn ca tài tử. Người Trà Vinh “khoe” người con - soạn giả Viễn Châu, thì người Vĩnh Long cũng có những Út Trà Ôn, Lệ Thủy…

“Chơi với nhau”

Lễ khai mạc được GS-TS Trần Văn Khê và nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cố vấn, với sự thực hiện của tổng đạo diễn Lê Quý Dương. Giải mã cho những tranh luận về hiện diện của đờn ca tài tử với hình thức biểu diễn hay là “chơi với nhau”, đạo diễn Lê Quý Dương nói: “Tiêu điểm dàn dựng của tôi là tối giản bằng mọi cách có thể triệt tiêu tính biểu diễn của chương trình, tạo nên một không khí thật thoải mái và sáng tạo cho nghệ sĩ, nhạc sĩ và thầy đờn”, bởi tôn trọng tính chất “chơi với nhau” đặc biệt ngẫu hứng và nâng cao phát triển thành nghệ thuật ứng tấu ứng tác giữa các nhạc sĩ, thầy đờn là một trong những điểm quan trọng và cốt lõi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ”.

Điểm nhấn “xứ dừa”

Ông Huỳnh Văn Út, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bến Tre, không giấu tự hào khi nói về “sân chơi” độc đáo của quê hương xứ dừa tại đây. Đó là không gian được cách điệu từ hình dáng cây dừa, toàn bộ dàn nhạc, nhạc cụ, đờn kìm, đờn tranh... đều được nghệ nhân Sơn Bá (Bến Tre) nguyên cứu, chế tác bằng thân dừa, gáo dừa, vỏ dừa, lá dừa. Cùng với 10 nghệ nhân đờn, ca nức tiếng ở xứ dừa, hứa hẹn đây sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn du khách.

Tiến Trình - Trần Thanh Phong

>> Hết phòng trọ trước Festival Đờn ca tài tử
>> Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Nhiều hoạt động sôi nổi, độc đáo
>> Lùi ngày tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia
>> Báu vật' đờn ca tài tử
>> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.