Trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Nỉ (xã An Vinh, huyện miền núi An Lão, Bình Định) là một ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa.
|
Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H’re thuộc hai xã nghèo An Dũng, An Vinh. Học sinh đến trường phải mất từ 1 đến 3 giờ lội suối, trèo đèo nên phần lớn các em phải ở lại trường, cuối tuần mới về thăm nhà.
Để giữ chân học sinh, cả Ban giám hiệu, Đoàn trường phải cố gắng xây dựng trường có được chức năng như một trường nội trú. Ngoài ra, tập thể nhà trường đã xây dựng mô hình tăng gia sản xuất theo kiểu vườn - ao - chuồng. Đó là một vườn khoảng 300m2 với đủ các loại rau cải, rau ngót, mồng tơi; 2 sào mì (sắn) chuẩn bị cho thu hoạch; 1 ao cá; 3 con heo chờ lớn sẽ bán lấy tiền bổ sung thêm bữa ăn cho các em.
Đặc biệt, nhà trường còn trồng cây keo, bạch đàn với diện tích trên 6.000m2, đến nay thu hoạch được 2 lần tổng cộng trên 50 triệu đồng. Số tiền này nhà trường giao riêng Công đoàn giữ làm quỹ khen thưởng cho giáo viên, học sinh cũng như thăm hỏi thầy cô, học sinh khi đau ốm.
Nhờ mô hình trên, học sinh đến trường không chỉ học cái chữ, còn được ăn những chén cơm trắng với thịt heo, cá và rau do các thầy cô tự trồng. Từ chỗ mỗi học sinh chỉ được trợ cấp 30.000 đồng/tháng (năm 2000), 50.000 đồng (2002), 100.000 đồng (2004), năm 2008 đến nay, hằng tháng mỗi học sinh được trợ cấp 140.000 đồng. Năm học này, trường có 6 lớp với 136 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 nhưng có hơn 80 em đang ăn ở sinh hoạt tại trường. Ông Trần Thanh Long, Hiệu trưởng nhà trường, một trong những người đầu tiên đặt chân về trường tâm sự: “Ngoài giờ dạy, các thầy cô giáo cũng phải tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn vì nơi này còn khó khăn”.
Còn ông Nguyễn Văn Phiên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Lão, nguyên là hiệu trưởng của trường cho biết: “Tôi từng gắn bó với trường cả chục năm, cái khổ của học sinh nơi đây tôi biết. Đến nay trường đã vào nền nếp. Mặc dù với 140.000 đồng/học sinh/tháng nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn lo cho các em tương đối. Đây là trường đầu tiên của tỉnh Bình Định thực hiện mô hình bán trú nhưng như nội trú mà các trường cần phải học hỏi. Đó mới là cái tâm của người thầy ở vùng cao như chúng tôi”.
Đào Tấn Trực
Bình luận (0)