Giữ di sản gánh hát lưu diễn muôn phương

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/03/2022 06:26 GMT+7

Gánh hát lưu diễn muôn phương là cuốn art book (sách với hình ảnh nghệ thuật) kể về những di sản diễn xướng Việt Nam qua con mắt người trẻ muốn giữ di sản.

Cuộc phiêu lưu của ba người bạn

Hồ Phương Thảo, một trong 3 tác giả của cuốn Gánh hát lưu diễn muôn phương (NXB Dân Trí), có một cuốn nhật ký đặc biệt. Ở đó, Thảo ghi lại những điều mình cảm nhận về từng loại hình nghệ thuật diễn xướng. “Lúc đầu tôi yêu quá nên ghi chép vào nhật ký. Sau đó thì tôi chợt nhận ra ghi chép đó chỉ cho cá nhân thôi. Nếu muốn xuất bản cho nhiều người yêu di sản hơn thì phải có tư liệu chính thống. Tôi cũng chỉ định làm về nghệ thuật tôi biết hoặc phổ biến thôi, ví dụ như là lô tô hay là cải lương. Khi tôi thấy tư liệu của Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL về di sản phi vật thể thì tôi nghiên cứu nhiều hơn”, Thảo nhớ lại.

Nhã nhạc cung đình Huế được tái hiện với Ngọ Môn ở đằng sau

Cuộc tìm kiếm tư liệu di sản diễn xướng sau đó lại được tiếp tục mở rộng để cuối cùng có tới 36 di sản được thể hiện trong sách. Trong số này có nhiều di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh như hội Gióng, đờn ca tài tử, nhã nhạc Huế… Thảo tìm kiếm sách, tìm đến các nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật để nghe họ kể chuyện. Bạn bè ở phía bắc cũng gửi tài liệu cho Thảo. Cô cũng có những người bạn sát cánh trong dự án. Đó là họa sĩ tự do Nguyễn Hoàng Tấn, người đã minh họa nhiều cuốn sách và Ngô Mỹ Triều Giang, người đang học nghề biên dịch.

Gánh hát lưu diễn muôn phương còn có ê kíp chuyên gia tư vấn gồm: nghệ sĩ cải lương Bạch Long; ông Phan Khắc Huy, đồng sáng lập dự án Vang vọng trống chầu; ông Nguyễn Tuấn Khanh, tác giả sách Bước đường của cải lương.

Nguyễn Hoàng Tấn cho biết việc tái hiện trang phục, nhạc cụ cũng như sinh hoạt diễn xướng gặp khó khăn vì tư liệu không nhiều. Anh thậm chí còn phải phân tích từng điểm ảnh trên những clip độ phân giải thấp để mang vào tranh hình ảnh gần sát nhất. Trong khi đó, Triều Giang cũng gặp khó với các thuật ngữ như “đào”, “kép”, “trống chầu”… Cũng có trường hợp từ tiếng Anh được dùng phổ biến không chính xác. “Đờn ca tài tử” nếu tìm kiếm trên Google thì sẽ ra kết quả phổ biến là southern amateur music, tuy nhiên chữ “tài tử” trong đờn ca tài tử không có nghĩa là nghiệp dư, mà là những người có tài năng, tài nghệ”, Giang chia sẻ.

Hội Gióng

Mở kho di sản cho người trẻ

Hồ Phương Thảo cho biết mỗi loại hình nghệ thuật diễn xướng có nhiều bài hát, nhiều bối cảnh, nhiều đội hình khác nhau. Nhóm luôn cố chọn cách thể hiện thông dụng, đặc trưng nhất như dân ca quan họ Bắc Ninh được vẽ là những người hát quan họ trên thuyền rồng. “Chúng tôi minh họa một góc nhìn thôi chứ không thể minh họa được hoàn toàn loại hình đó được. Miễn thế nào cho sinh động và gần với người trẻ”, Thảo nói.

Bên cạnh những góp ý của nhóm chuyên gia, sau khi sách ra đời, cũng có thêm nhiều ý kiến của người trẻ gửi về. Thảo cũng nói với mọi người về việc nếu có thể góp ý để nhóm có thể hoàn thiện nội dung, nhóm sẽ sửa liền ngay khi tái bản. “Tôi có lấy ra một quyển vở, ghi thẳng gọi là bản tái bản. Trong đó, tôi ghi từng chỗ luôn để rõ tái bản như thế nào. Cũng trộm vía là được mọi người ủng hộ, tôi thấy cũng vui lắm. Thực ra vui hơn vì mỗi lần có người góp ý và gửi thêm tư liệu để chỉnh sửa chúng tôi lại càng quý hơn”, Thảo nói.

Hát xẩm

Gánh hát lưu diễn muôn phương là một cách mở lại kho di sản cho người trẻ, do người trẻ. Thời gian gần đây, đó cũng là xu hướng của nhiều thực hành văn hóa của người trẻ. Chẳng hạn, với tuồng cổ, đã có dự án mang tuồng tới nơi gần với người dân nhất như khu tập thể hoặc trung tâm thương mại. Mới đây, nghệ sĩ Hà Nguyên Long đã mang tuồng tới hội quán ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Ở đó, người xem được xem vở tuồng Cõi thinh không ở khoảng cách rất gần chứ không tách biệt như ở các nhà hát tuồng hiện nay. Cũng trong sự kiện đó, nhiều bức thư pháp được bày trên tường và công chúng thấy chúng dễ cảm nhận hơn.

Một ví dụ khác, tại trưng bày về tết xưa, nhà nghiên cứu cũng là người tỉa thủy tiên rất giỏi Nguyễn Đức Dũng đã mang cả bộ đồ chơi hoa của mình đến cho Trung tâm lưu trữ quốc gia mượn. Đây cũng là điểm thu hút người xem tương tác nhất trong trưng bày. Ai cũng muốn chụp ảnh với những bát thủy tiên hé nở. Người dự triển lãm vì thế có thể hình dung được người xưa đã chơi thủy tiên thế nào, với cách bài trí ra sao. Thú chơi từng được nhà văn Nguyễn Tuân mô tả trong sách giờ bước ra đời thực.

Bìa cuốn sách Gánh hát lưu diễn muôn phương

NVCC

Theo các nhà nghiên cứu, những dự án như Gánh hát lưu diễn muôn phương, Cõi thinh không… cho thấy việc người trẻ không thờ ơ với các di sản phi vật thể mà người xưa để lại. Người trẻ cũng rất sáng tạo trong việc đưa các di sản này vào đời sống với hình thức mới mẻ nhất. “Phải có sự biến hóa như thế, thực hành như thế thì di sản phi vật thể mới được bảo tồn và phát huy”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.