Giữ gìn bữa cơm gia đình

27/02/2013 09:58 GMT+7

Mỗi lúc vắng nhà, xa quê có lẽ rất nhiều người trong chúng ta ai cũng thấy nhớ thật nhiều những bữa cơm gia đình. Nói cách khác, trong ký ức mỗi người dường như đều cảm nhận một điều gì đó thật thiêng liêng, quý giá khi nhắc đến những bữa cơm ấm áp ấy.

Mỗi lúc vắng nhà, xa quê có lẽ rất nhiều người trong chúng ta ai  cũng thấy nhớ thật nhiều những bữa cơm gia đình. Nói cách khác, trong  ký ức mỗi người dường như đều cảm nhận một điều gì đó thật thiêng liêng, quý giá khi nhắc đến những bữa cơm ấm áp ấy.

Giữ gìn bữa cơm gia đình 1
Bữa cơm gia đình Việt chứa đựng những yếu tố văn hóa hết sức tinh tế và lý thú


Mỗi người mỗi việc, mỗi nơi nhưng vẫn luôn cố gắng có mặt đầy đủ trong buổi cơm chiều cũng đã cho thấy nền nếp, tôn ti trật tự trong gia đình. Người về sớm, người ở nhà cố dằn cơn đói, nán chờ người về muộn thêm vài phút để bữa cơm gia đình có được sự hiện diện đủ đầy... Nói  khác hơn, đợi nhau trong bữa cơm không hẳn chỉ vì chuyện ăn uống mà còn là cả gia đình cùng chờ đợi, mong muốn chia sẻ từng giây phút bình yên sau một ngày tất bật với công việc. Bữa cơm không chỉ là nơi gắn kết các thành viên, hình thành truyền thống gia đình mà nó tạo nên nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa.

Bữa cơm gia đình cũng là nơi thích hợp để ông bà, cha mẹ chỉ dạy con cháu phải biết lễ phép lịch sự khi ăn uống: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Nghĩa là phải biết kính trên nhường dưới, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không giành lấy ăn hết, bưng chén cơm lên người dưới phải lễ phép mời người trên. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường về ý thức san sẻ từ gia đình cho đến cuộc sống.

Bữa cơm gia đình Việt chứa đựng những yếu tố văn hóa hết sức tinh tế và lý thú. GS Trần Văn Khê đã từng chia sẻ: “Nếu đem cách ăn uống của ta so với người Tây, sẽ có nhiều điểm vượt trội. Người Việt ta ăn toàn diện, nghĩa là ăn bằng ngũ quan. Thực phẩm chế biến ra có nhiều màu sắc. Không chỉ trình bày đẹp mà còn có hương thơm. Cho thức ăn vào miệng ta cảm nhận được cái mềm mềm của bún, dai dai của thịt, tiếng lóc cóc của hạt đậu phộng… Chúng ta ăn bằng mắt, ngửi mùi thơm và nghe âm thanh của thức ăn rồi mới thưởng thức. Người Việt ăn khoa học. Khi ăn cũng là uống thuốc. Ăn sao cho “âm dương tương xứng, hàn nhiệt phân minh”. Trong món ăn chúng ta có cả âm dương: vị mặn thuộc dương, ngọt thuộc âm. Làm nước mắm bỏ chút đường, chút giấm. Kho cá, kho thịt ngoài muối ta còn bỏ thêm cả đường. Ăn bưởi chua quá hay dưa hấu ngọt quá ta cũng chấm thêm chút muối cho “đậm”. Đi xa hơn, người Việt còn để ý món ăn trong môi trường. Câu nói “mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển” đã chứa trong đó sự thâm thúy về ẩm thực. Mùa hè, cá sông thấm nhiều cái âm của nước ngọt, sẽ làm cân bằng cái dương trong cơ thể ta. Còn mùa đông khi cơ thể ta thấm cái lạnh là âm, sẽ rất tốt khi ăn cá biển vì cá biển thấm muối biển là có cái dương trong chúng”.

Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, hơn bao giờ hết, bữa cơm gia đình đang thực sự trở nên mong manh, thậm chí có nguy cơ dần biến mất. Do đó việc chăm chút và duy trì bữa cơm ấy chính là cách hữu hiệu để giữ gìn hạnh phúc không những nơi mái ấm của mỗi gia đình và trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt.

Chung Thanh Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.