Ngày 4.12, tại TP.Cao Lãnh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Tấm gương trọn đời vì nước, vì dân", nhân kỷ niệm 95 năm ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (27.11.1929 - 27.11.2024), thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo có đại diện các bộ ngành T.Ư, các địa phương, các nhà khoa học và đại diện dòng họ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Cả đời thanh bạch, từ chối làm quan 2 lần
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại xã Kim Liên, H.Nam Đàn, Nghệ An. Từ nhỏ, cụ sớm có ý chí tự lập, ham học hỏi. Cụ được mọi người yêu mến về đức tính thật thà, siêng năng, giàu tình cảm, được nhà Nho Hoàng Xuân Đường gả con gái Hoàng Thị Loan và lần lượt hạ sinh 4 người con, trong đó có Nguyễn Sinh Cung là người con thứ 3 - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1894, cụ đỗ cử nhân, đến năm 1901 thi đỗ Phó bảng tại kỳ thi Hội. Cụ Nguyễn Sinh Sắc nổi tiếng với quan niệm "học để làm người, không phải để làm quan" trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ nên sau khi đỗ đạt, cụ 2 lần từ chối ra làm quan.
Từ năm 1910, trong hành trình đến miền đất phương Nam của Tổ quốc, cụ đến nhiều nơi như: Sài Gòn, Thủ Dầu Một, An Giang, Mỹ Tho, Bến Tre và có thời gian sang Phnom Penh (Campuchia) để gặp gỡ, đàm luận với các nhân sĩ, trí thức yêu nước về thế sự nước nhà, có lúc dạy chữ nho hoặc xem mạch, kê đơn thuốc chữa bệnh cho người dân.
Năm 1917, cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Cao Lãnh lần đầu tiên và làm thầy thuốc, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Tại đây, cụ kết giao với nhiều nhân sĩ yêu nước, tham gia truyền bá tư tưởng yêu nước. Đến năm 1927, cụ trở lại Cao Lãnh và sống tại đây đến cuối đời, vận động thanh niên tham gia phong trào yêu nước.
Với hình ảnh một nhà Nho có kiến thức uyên thâm, một người thầy thuốc tận tâm, có cuộc sống thanh bạch, giản dị và nhân cách hiền từ, gần gũi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bà con làng Hoà An, Cao Lãnh rất cảm mến và quý trọng. Cụ mất ngày 27.11.1929 tại làng Hòa An, Cao Lãnh, thọ 67 tuổi.
Với tình cảm kính trọng và tiếc thương vô hạn, nhân dân Đồng Tháp đã tổ chức lễ an táng chu đáo cho cụ. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã kiên quyết và khéo léo bảo vệ phần mộ của cụ trước những âm mưu phá hoại của địch. Sau ngày đất nước thống nhất, khu mộ cụ được xây dựng khang trang hơn.
Ngày nay, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại P.4, TP.Cao Lãnh trở thành một điểm đến văn hóa, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc cho thế hệ trẻ.
Phát huy giá trị khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để giáo dục truyền thống
Hội thảo đã nhận 116 tham luận và phát biểu trực tiếp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giàu giá trị khoa học và thực tiễn để tôn vinh thêm nhân cách, tấm gương cả cuộc đời vì nước, thương dân sâu sắc; nghiên cứu làm rõ những ảnh hưởng rất to lớn của cụ Nguyễn Sinh Sắc đối với sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của cụ đối với vùng đất, con người Đồng Tháp.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp từ một địa phương khuất nẻo, giờ đang từng ngày thay đổi, nỗ lực vươn lên, khẳng định nhiều giá trị tích cực trong vùng ĐBSCL và cả nước. Từ một địa phương ít được biết đến, Đồng Tháp nay đã ghi dấu ấn trong lòng bạn bè xa gần với hình ảnh đất sen hồng, "bé sen", sếu đầu đỏ, hội quán, làng thông minh, lễ hội ngành hàng sen, xoài, hoa kiểng, cá tra, nằm nhóm dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chính quyền thân thiện… với tinh thần "thuần khiết như hồn sen", nuôi dưỡng, vun đắp cho một khát vọng sen hồng vươn lên mạnh mẽ từ khó khăn, khẳng định giá trị, góp sức, cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước. Những giá trị tích cực đó là kết quả của quá trình kế thừa, tiếp thu những giá trị sâu sắc từ cuộc đời sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là tư tưởng vì nước, trọng dân, quý dân, tất cả vì nhân dân phục vụ".
Tại hội thảo, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Trọn cuộc đời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nêu tấm gương tiêu biểu của một sĩ phu yêu nước, thương dân sâu sắc, luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước và dân tộc, đặc biệt là đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, đánh giá cao nội dung hội thảo vì đã nghiên cứu chuyên sâu, làm rõ và góp phần lan tỏa tấm gương vì nước, vì dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Bà Mai đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để nơi đây luôn là địa chỉ đỏ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời, luôn là điểm đến của du khách trong và ngoài nước để góp phần vào việc phát triển toàn diện của quê hương Đồng Tháp và khu vực Nam bộ.
Bình luận (0)