"Cuộc chiến" quan điểm về ủng hộ - không ủng hộ xóm đường tàu - chắn 5 Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đang tiếp tục "nóng" trên các diễn đàn.
Trong khi những người ủng hộ khẳng định đây là sản phẩm du lịch độc đáo đã tồn tại một thời gian dài nhưng vẫn an toàn thì ở chiều ngược lại, không ít ý kiến đề nghị thành phố Hà Nội sớm di dời, tái định cư cho các hộ dân để trả lại hành lang đường sắt, đảm bảo an toàn cho chính những người dân ở khu vực này.
Nhiều du khách thản nhiên nhào lộn chụp ảnh trên đường tàu |
CHÍ BÌNH |
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gọi đây là "cuộc cân não" của các nhà lãnh đạo bởi quan điểm nào cũng có đầy đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục.
Theo ông, nếu chiếu theo luật, những hộ gia đình dọc tuyến đường sắt đã vi phạm quy định hành lang an toàn. Luật quy định chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ trở ra mỗi bên với đường sắt (không phải đường sắt tốc độ cao) là 3 mét.
Phố cà phê đường tàu đóng cửa, khách nước ngoài tiếc nuối ‘quay đầu’ |
Trong khi đó, các quán cà phê ven đường sắt có chiều hướng tăng mạnh, thậm chí du khách còn thường xuyên đứng giữa đường tàu để chụp hình, rủi ro mất an toàn, buộc đoàn tàu khi qua khu vực này phải đi chậm lại. Vì thế, mục tiêu "xóa sổ" phố cà phê đường để bảo đảm an toàn cho người dân là hợp lý.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào mục đích này thì chưa đủ sức thuyết phục người dân vì thực tế khu vực này từ khi phát triển mô hình cà phê phục vụ du lịch, chưa xảy ra tai nạn đường sắt. Chưa có chứng minh tai nạn đáng tiếc xảy ra hoặc hành khách đi trên tàu phàn nàn, không hài lòng với dịch vụ hai bên đường.
Chưa kể hình thức kinh doanh này lại đang là nguồn thu nhập chính của người dân tại đây và dần trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách quốc tế.
"Trên thế giới có một số nước cũng tồn tại hiện tượng này. Dọc hành lang đường sắt trên một số đoạn tại Thái Lan hình thành nhiều hoạt động buôn bán, thu hút khách du lịch. Hay New York cũng từng nổ ra cuộc tranh cãi có nên duy trì xe ngựa du lịch trong công viên hay không. Cà phê đường tàu không phải nét văn hóa gì quá "điên rồ", chỉ Hà Nội mới có nên không nhất thiết phải dẹp bỏ" - TS Nguyễn Hữu Nguyên dẫn chứng.
Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đề nghị UBND các quận Ba Đình và Hoàn Kiếm xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng |
NGỌC THẮNG |
Song, để tiếp tục duy trì sản phẩm du lịch này, ông Nguyên cho rằng cần tổ chức lại bài bản, có kiểm soát, không để hoàn toàn tự phát như thời gian qua. Có thể quy định lại hành lang tối thiểu phù hợp hơn với tình hình thực tế. Nhà nào lấn chiếm quá thì phải dẹp bỏ. Song song, kết hợp với ngành đường sắt thông báo chính xác lịch chạy tàu cho bà con và thống nhất tốc độ giảm xuống chậm hơn khi chạy qua khu vực này.
"Chính quyền trước khi quyết định nên làm một động tác nữa là thăm dò dư luận ở Hà Nội. Cuộc khảo sát phải có quy mô lớn, khoảng vài chục ngàn người, không phải chỉ khảo sát người dân ở khu vực đó để đảm bảo tính khách quan. Cơ quan thăm dò độc lập, có chuyên môn. Cứ đúng lời Bác Hồ dạy mà làm: Việc gì cũng phải học dân, hỏi dân, nhưng không theo đuôi quần chúng" - vị này nhấn mạnh.
Giữ hay dẹp phố cà phê đường tàu Hà Nội?
Bình luận (0)