Giữ hồn đại ngàn: 'Cha đẻ' nhà dài duy nhất A Lưới

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
31/10/2022 07:10 GMT+7

Với ước muốn gìn giữ nét kiến trúc độc đáo xa xưa của đồng bào Pa Kôh, già làng Quỳnh Quyên (79 tuổi, trú thôn A Năm, xã Hồng Vân, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) đã cất công đi vận động kinh phí rồi tự tay lên bản vẽ, kêu gọi trai làng dựng ngôi nhà dài vốn “thất truyền” từ nửa thế kỷ trước...

Ký ức nhà dài 100 người ở

Có đến ngôi nhà dài truyền thống (còn gọi là đung moong) duy nhất tại H.A Lưới mới thấy được những nét độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc của đồng bào Pa Kôh. Căn nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ theo mô thức nhà sàn với cột khá cao. Mái nhà được lợp bằng tranh. Trên nóc có những vật trang trí bằng gỗ hình sừng trâu cùng những họa tiết, hoa văn truyền thống đặc trưng của người Pa Kôh. Nhà được thiết kế 3 lối vào bằng cầu thang gỗ. Đúng như tên gọi của nó, ngôi nhà dài tới khoảng 35 m, với 5 gian. Trong lịch sử, người Pa Kôh thường ở trong những ngôi nhà dài như thế với sự quần cư của cả chục hộ gia đình.

Căn nhà dài duy nhất tại H.A Lưới

HOÀNG SƠN

Nhiều già làng tại H.A Lưới mà tôi có dịp tiếp xúc cho biết ngôi nhà dài cuối cùng họ nhìn thấy tại địa phương là khoảng năm 1959 - 1960. Từ đó cho đến năm 2014, khi nhà dài tại thôn A Năm được già Quỳnh Quyên phục dựng, họ mới thấy lại nó. Khoảng 50 năm “thất truyền”, già Quỳnh Quyên khi nào cũng khắc khoải nhớ về mái nhà gắn bó với tuổi thơ của già cùng thế hệ anh em. “Ngày xưa, chạy dọc thung lũng Trường Sơn ở rẻo cao A Lưới này, nhà dài nhiều lắm. Thuở đó, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên các gia đình thường quần tụ sinh sống gần nhau để hợp sức lao động, chia sẻ bất trắc… Bao đời nay, nhà dài của đồng bào chúng tôi chính là nơi tụ họp các gia đình. Nhà thường dài 5 - 7 gian, nhưng có nhà dài đến 12 gian”, già Quỳnh Quyên kể.

Vì sinh sống trên những ngọn đồi cao nên nhà dài của người Pa Kôh thường không quá dài bởi không thể mở nhiều gian. Nhưng nhà dài 12 gian mà cụ Quỳnh Quyên nhắc đến là có thật, thuộc về một gia đình họ hàng của già. Theo tập tục, nhà dài dành gian giữa làm nơi gia chủ tiếp khách và sinh hoạt chung, thực hiện các nghi thức tâm linh của gia đình. Các gian liền kề được phân chia cho các hộ là con, cháu… Và ngôi nhà cứ thế dài ra khi có thành viên trong nhà lập gia đình. Gian nhà được mở đồng nghĩa với việc nhà dài có thêm một bếp lửa.

“Dài đến 12 gian là có đến 12 bếp. Hồi đó, nhà dài 12 gia đình có đến 100 người ở. Dù đông đúc là thế nhưng gia đình khi nào cũng hòa thuận. Mỗi lần có việc gì thì thanh niên trong nhà xúm tay làm một loáng là xong. Bắt được con nai, con hoẵng, 12 bếp đều có 12 phần thịt tươi”, già Quỳnh Quyên tiếp lời. Nhớ về không gian đầm ấm, thấm đẫm tình cảm gia đình của đồng bào mình từ xa xưa, già ấp ủ phục dựng…

Già làng Quỳnh Quyên - người đứng ra vận động dựng lại nhà dài truyền thống

Căn nhà của tình đoàn kết

Năm 2012, già Quỳnh Quyên đem câu chuyện này kể với lãnh đạo thôn, xã và lập tức nhận được sự đồng ý. Để có kinh phí dựng nhà, già Quỳnh Quyên phải đi kêu gọi từng gia đình đóng góp tiền, ngày công… Sau khi dự trù kinh phí, số gỗ, tấm lợp, tự tay vẽ kiến trúc nhà…, đôi chân của già lại len lỏi trên những nẻo đồi để vận động. Bằng uy tín của mình, già nhanh chóng kêu gọi được số tiền ban đầu (vài chục triệu đồng) để mua sắm vật liệu.

“240 hộ dân của A Năm đều góp tiền. Nhà bình thường thì 100.000 đồng, hộ nào có chế độ, lương bổng thì góp 200.000 đồng. Có tiền rồi, bố bảo đám thanh niên trong làng tìm mua gỗ tốt để chuyển về. Rồi kêu gọi phụ nữ trong thôn đi chợ, nấu ăn cho thanh niên dựng nhà…”, già kể. Là người am hiểu nhà truyền thống, việc dựng nhà dài với già không khó. Có điều, thợ rành nghề tìm không ra nên nhà cửa, cầu thang, điêu khắc gỗ… đều do chính tay thanh niên trong làng thi công, chạm khắc. Để đảm bảo ngôi nhà đúng với kiến trúc truyền thống, ngày ngày già Quỳnh Quyên “vào vai” giám sát đám thanh niên cưa xẻ, đục đẽo…

“Vì toàn là thợ tay ngang nên bố phải có mặt liên tục để chỉ cho các cháu từng tí một”, già Quỳnh Quyên nhớ lại. Tiến độ cất nhà kéo dài ra đến 2 năm. Khi dựng nhà xong rồi, lại nảy sinh vấn đề khó tìm vật liệu lợp mái. Có ý kiến nên góp thêm tiền để mua tôn về lợp nhưng già quả quyết để đúng với nguyên gốc. Nhà dài phải được lợp tranh.

Già lại đi vận động các hộ dân đóng góp. Cứ thế cho đến ngày đủ 5.000 đôi tranh thì nhà mới được dựng xong. Tính đến ngày hoàn thành vào năm 2014, nhà dài đã nhận được khoản đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng trăm ngày công của người dân trong thôn. Ngày khánh thành, để có ngày hội chung cho làng vui chơi, già lại kêu gọi người dân góp thêm tiền để mua con bò. Hai năm thi công nhà dài là 2 năm người đàn ông tuổi thất thập không có một giấc ngủ ngon…

Đã qua 10 năm rồi, căn nhà dài vẫn sừng sững bên đường Hồ Chí Minh, trở thành niềm tự hào của thôn A Năm. “Khách về tham quan, tìm hiểu đông lắm. Bọn trẻ thì có nơi sinh hoạt văn nghệ truyền thống, còn người già có nơi gặp gỡ để bàn việc lớn… Giờ có nhắm mắt, bố cũng mãn nguyện”, già Quỳnh Quyên phấn khởi nói. (còn tiếp)

Giữ hồn đại ngàn

“Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Già làng của… già làng

Người thầy đầu tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.