Giữ hồn điệu múa xòe Thái trên mảnh đất vùng biên

Giang Phương
Giang Phương
01/03/2023 07:08 GMT+7

Múa xòe, điệu múa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc, đã theo chân người dân vào lập nghiệp ở Tây Ninh từ sau năm 1975.

Điệu múa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của VN tháng 12.2022 hiện đang hồi sinh và phát triển tại tỉnh vùng biên này.

Ông Hà Duy Khuyền, 72 tuổi, người có uy tín của đồng bào dân tộc Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước (H.Bến Cầu, Tây Ninh), cho biết gia đình ông từ Thanh Hóa vào Tây Ninh lập nghiệp cuối năm 1992. Những năm sau đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái khác cũng vào đây lập nghiệp, dần hình thành cộng đồng dân tộc Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước ngày nay. "Cũng từ thời điểm này, múa xòe đã trở thành hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở khu vực này. Múa xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng", ông Khuyền nhớ lại.

Giữ hồn điệu múa xòe Thái trên mảnh đất vùng biên  - Ảnh 1.

Từng động tác xòe Thái đều mang đến sự vui tươi

giang phương

Những điệu múa xòe Thái sau đó được duy trì và phát triển mạnh tại Tây Ninh. Năm 2019, UBND xã Long Phước có tờ trình gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, UBND H.Bến Cầu xem xét, tạo điều kiện xây dựng nhà văn hóa dân tộc Thái, phục dựng điệu múa xòe dân tộc Thái. Ngoài ra, Sở VH-TT-DL cũng đã mời Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái từ TP.HCM lên Long Phước để truyền dạy nghệ thuật xòe Thái. "Bà con ở đây cũng tự khôi phục một số điệu múa đặc trưng của dân tộc Thái như múa nón, múa sạp và mang đi biểu diễn phục vụ văn nghệ tại các sự kiện ở xã, huyện, tỉnh", ông Khuyền cho biết thêm.

Giới trẻ ở Tây Ninh là thế hệ tiếp theo giữ hồn cho điệu múa xòe Thái. Trong đó phải kể đến Hà Ngọc Trang, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, một trong những cô gái ở mảnh đất vùng biên thuộc xã Long Phước, là đại diện thế hệ trẻ giữ hồn cho điệu múa xòe Thái. Ngọc Trang hiện đang dạy điệu xòe Thái cho đội ở ấp Phước Trung. Đội múa xòe Thái do Trang dẫn dắt ban đầu chỉ vài người nay đã có hơn 30 thành viên. Đội đã mang điệu múa Thái độc đáo này tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cấp xã, huyện và cấp tỉnh. Nói về điệu múa xòe Thái, Trang tự hào: "Em thích nhất ở các động tác múa, không quá khó nhưng tay chân phải dẻo và chịu khó thì mới tập luyện được. Trang phục có hoa văn rất riêng của dân tộc Thái. Khi múa, mọi người đều cảm thấy sự mệt mỏi trong mình giảm đi. Chính sự truyền cảm hứng của điệu múa khiến ngày càng có nhiều bạn xin tham gia vào đội".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.