Ngày 18.2, ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết lễ hội Dinh Cô Long Hải (TT.Long Hải) đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những lễ hội lớn ở vùng biển Nam bộ, tổ chức tại Dinh Cô, nằm dưới chân núi Thùy Vân, TT.Long Hải. Lễ hội diễn ra từ ngày 10 - 12.2 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng chục ngàn ngư dân và du khách đến tham dự.
Trước ngày chánh lễ (10 và 11.2), các ghe thuyền kết hoa đăng bên bờ biển, hướng mũi vào Dinh Cô. Đến sáng sớm 12.2, các ghe thuyền quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của ngư dân được chọn dẫn đầu, trên có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, các bô lão cao niên với lễ phục trang nghiêm và đội lân sư rồng.
Đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi trong tiếng trống, đi khoảng 2-3 hải lý, đến khu vực nơi Cô tử nạn ngày xưa, ông Chánh bái bắt đầu nghi lễ rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên cùng về dinh ăn giỗ.
Trong 3 ngày này ở lễ hội Dinh Cô, người địa phương và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng với những lễ hội đặc trưng như thả đèn hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền và hát bả trạo…
Ông Lâm Văn Hồng cho biết việc công nhận lễ hội Dinh Cô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương trong thời gian tới.
Ngoài lễ hội Dinh Cô thì lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại TP.Vũng Tàu cũng được Bộ VH-TT-DL ký quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những lễ hội lâu đời có ý nghĩa quan trọng đối với ngư dân TP.Vũng Tàu, diễn ra vào ngày 15 - 18.8 Âm lịch hàng năm.
Lễ hội còn được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như lễ cầu ngư, lễ nghinh ông Thủy tướng, lễ tế Cá Ông, lễ rước cốt Ông, lễ nghinh Ông...
Thông qua lễ hội, người dân còn cầu xin sự bình an mỗi chuyến ra khơi, thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phần lễ thường được bắt đầu bằng nghi thức khai nghinh Thủy tướng. Đoàn nghi lễ sẽ tiến hành rước linh vị của Cá Ông từ mũi Nghinh Phong về đến khu vực Bãi Trước. Sau đó, cùng với các bậc bô lão dẫn đoàn tháp tùng tượng Cá Ông từ Bãi Trước về đến Lăng Ông Nam Hải và đọc sớ báo cáo đã nghinh Ông về đến làng.
Tiếp theo sẽ đến lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ xây chầu Đại Bội, lễ tỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải... Các lễ diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống trong bầu không khí trang trọng.
Sau phần lễ là phần hội đặc sắc của lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, người dân và du khách sẽ được tham gia các hội thi, trò chơi dân gian đầy màu sắc liên quan đến các hoạt động của ngư dân như đan lưới, câu cá, các tiết mục văn nghệ thú vị như múa lân sư rồng, hát bả trạo, hát bội...
Bình luận