Từ 5 giờ sáng ngày 10.2 (nằm ngày 20 tháng giêng), người dân và du khách đổ về Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Tập Linh (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) để dự Lễ hội Cầu ngư với ước mong mưa thuận gió hòa, cầu cho ngư dân vươn khơi bám biển thắng lợi.
Lễ hội Cầu ngư Thanh Khê được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ các vị tiền nhân khai phá, mở cõi và tổ nghiệp làng chài. Đây là một ngày lễ lớn và vô cùng quan trọng đối với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Đà Nẵng.
Mở đầu Lễ hội Cầu ngư năm nay là Lễ Nghinh Ông. Theo quan niệm của ngư dân, cá ông (cá voi) là sinh vật linh thiêng ở biển khơi, là vị cứu tinh khi ngư dân gặp nạn trên biển.
Tiếp đến là Lễ Tế chính, các bô lão trong làng Thanh Khê lên hương, châm rượu, kính các vị thần để cầu mong cho ngư dân đánh bắt bội thu, thời tiết thuận lợi trong năm mới.
Chính bởi những nghi lễ đặc sắc này mà từ sáng sớm 10.2, xung quanh sân khấu tổ chức Lễ hội Cầu ngư, người dân và du khách đổ về để theo dõi.
Không khí lễ hội trở nên trang nghiêm hơn với các phần biểu diễn hội trống – múa cờ vô cùng đặc sắc. Đặc biệt là phần hát bả trạo, thể hiện tinh thần ngư dân đoàn kết, đánh bắt bội thu.
Ông Võ Văn Tâm (77 tuổi, trú tại P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), chủ bái lễ tế, chia sẻ: "Lễ cầu ngư tổ chức từ năm 1923, đây là ngày lễ rất quan trọng. Ngày lễ cầu mong cho những người đi làm trên biển an toàn và thuận lợi, tưởng nhớ những người đã nằm lại lòng biển. Nhân dân của P.Thanh Khê Đông chúng tôi tổ chức nghi lễ này với mong muốn con cháu sau này biết đến lễ cầu ngư đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình…".
Ông Tâm chia sẻ thêm, trong những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngư dân vẫn tổ chức lễ cúng, tuy nhỏ nhưng để tưởng nhớ công ơn của các vị thần đã khai phá, mở cõi và cầu an cho ngư dân thuận lợi vươn khơi.
Sau phần dâng hương, những chiếc thuyền thúng đồng loạt nổ máy, nối đuôi nhau thành hàng dài di chuyển trên biển. Tiếp đó là phần biểu diễn thuyền kayak và canoeing khiến nhiều người thích thú.
Lễ hội Cầu ngư năm nay còn có các hoạt động thi thố giữa các phường trên địa bàn Q.Thanh Khê, như gánh cá, đan lưới, kéo co trên bãi biển.
Ngoài ra, người dân và du khách còn có thể tham quan các gian hàng bày biện những đặc sản biển; chiêm ngưỡng những bức tranh về Lễ hội Cầu ngư của các em học sinh trên địa bàn Q.Thanh Khê.
Vào năm 2016, Lễ hội Cầu ngư TP.Đà Nẵng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2019, Lễ hội Cầu ngư tại TP.Đà Nẵng được ngành văn hóa thành phố tổ chức lễ vinh danh long trọng.
Bình luận (0)