(TNO) “Việc bảo đảm điện sau ngày 30.4.1975 được coi là vấn đề sống còn không chỉ cho đời sống của người dân Sài Gòn mà còn thể hiện uy tín chính quyền quân quản Sài Gòn nhưng ngày đầu nên rất được chú trọng”, ông Trần Vân, một trong những người đầu tiên tiếp quản ngành điện miền Nam nhớ lại.
Trụ sở Công ty Tổng công ty Điện lực Việt Nam sau khi tiếp quản, nay là tòa nhà của Tổng công ty Điện lực miền Nam ở số 72 Hai Bà Trưng, Q,1 (TP.HCM) - Ảnh: tư liệu của Tổng công ty miền Nam
20 năm trở về
Ông Vân quê gốc ở Sài Gòn. Cha ông là người Thủ Đức, mẹ dân Thị Nghè. Năm 1945, ông Vân lúc này 13 tuổi tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông Vân tập kết ra bắc, được cử đi học nước ngoài về điều độ điện. Tốt nghiệp về nước, ông tham gia xây dựng nhà máy điện Vinh (Nghệ An), rồi ra Hà Nội làm điều độ điện ở miền bắc. Sở Điện lực Hải Hưng được thành lập, ông Vân về làm phó giám đốc, rồi giám đốc sở kiêm tỉnh ủy viên UBND tỉnh Hải Hưng.
Ông Vân kể: “Sáng 1.5.1975, tôi đang dự mít tinh ngày quốc tế lao động ở sân vận động tỉnh Hải Hưng thì có lệnh về sở gấp. Về sở mọi người gặp tôi nói anh được về nam rồi. Nhận lệnh mà tôi muốn đứng tim. Xúc động vô cùng vì không ngờ lại được về quê hương mình sau hơn 20 năm xa cách”, ông Vân hồi tưởng.
Lý do ông Vân được điều vào Sài Gòn tiếp quản ngành điện xuất phát từ chính nhu cầu của ngành điện ở Sài Gòn. Ngày 30.4.1975, sau khi tiếp quản Sài Gòn và xem xét tình hình một số ngành, ban quân quản đã có điện khẩn ra Hà Nội đề nghị tăng cường gấp đội ngũ kỹ sư lành nghề thuộc một số lĩnh vực chủ chốt như điện, nước, lương thực, vận tải…
Theo hồi ức của ông Trần Tự Kỉnh – nguyên cán bộ quân quản điện lực miền Nam – khi quân đội ào ạt tiến về Sài Gòn thì ở chiến khu miền Đông, ngày 26.4.1975, Ban Công nghiệp R đã tổ chức xong Tiểu ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định (phiên hiệu K9) gồm 7 thành viên.
Bộ phận điện có 61 người do ông Nguyễn Văn Tiên làm đội trưởng. Sáng 1.5.1975, lúc 7 giờ 30 phút, tiểu ban quân quản K9 do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV) tại số 72 Hai Bà Trưng (Q.1), để chỉ đạo việc quân quản.
Các viên chức cũ của CĐV gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, các giám đốc và phó giám đốc các nha trực thuộc CĐV đã tập trung đầy đủ.
Sau khi công bố lệnh quân quản, ông Trần Tự Kỉnh được chỉ định thay mặt ban quân quản K9 tiếp quản CĐV, tổ chức cuộc họp và kêu gọi những người phụ trách CĐV cộng tác đảm bảo nguồn điện hoạt động bình thường.
Trong cuộc họp đầu tiên, ban quân quản yêu cầu bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của người dân toàn thành phố.
Ngoài ra, lực lượng tiếp quản triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường, phối hợp với anh em quân quản tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng kẻ địch phá hoại.
Người Sài Gòn dễ làm việc
Ban quân quản quyết định cử ông Mai Bửu Đàn về phụ trách nhà máy điện Thủ Đức, ông Lưu Phương Chính tiếp quản nhà máy điện Chợ Quán. Đây là hai nguồn phát chủ lực cung ứng điện cho Sài Gòn Gia Định và một số vùng phụ cận. Ông Trần Vân làm giám đốc trung tâm điều hợp (nay là trung tâm điều độ) điện năng…
Việc đầu tiên là ông Vân nắm lại tình hình cơ sở điện ở Sài Gòn cũng như các vùng lân cận. Ở Sài Gòn lúc đó có hai nhà máy điện chính là Thủ Đức (được ví như trái tim của Sài Gòn) và Chợ Quán. Ngoài ra cũng có thêm một số nhà máy điện nhỏ chạy bằng dầu mazut và diesel.
“Lợi thế của tôi vừa là dân kỹ thuật điện lại là người gốc Sài Gòn nên dễ thuyết phục anh em chế độ cũ ở lại làm việc với mình. Anh em biết mình có nghề nên cũng rất gần gũi chứ không phân biệt chế độ này, chế độ kia”, ông Vân nói.
Công việc tiếp quản ngành điện ngày đầu khá vất vả. Có khi sáng đi Đa Nhim nhưng chiều ông Vân đã có mặt ở Cần Thơ giải quyết công việc. Nhiều đêm ông lại lôi chồng hồ sơ lý lịch của nhân viên chế độ cũ ngồi đọc để biết thế mạnh của từng người để bố trí công việc cho hợp lý.
Cũng như ông Trần Vân, ông Nguyễn Văn Thận - nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực 2 (hiện là Tổng công ty Điện lực miền Nam) là con em miền nam tập kết ra bắc, sau 30.4.1975 được trở về quê hương tăng cường cho ngành điện miền nam.
Ông Thận cho biết ngày 8.5.1975, ông cũng 27 chuyên gia ngành điện tàu Sông Hương rời miền bắc, sau 3 ngày lênh đên trên biển, đến ngày 11.5.1975, tàu cập bến Nhà Rồng.
Quang cảnh Sài Gòn lúc này theo lời ông Thận “còn ngổn ngang lắm”. Khi ông Thận có mặt ở Sài Gòn, ban quân quản đã tiếp quản cơ sở và điều hành sản xuất điện. Nhiệm vụ của đoàn chuyên gia chủ yếu là cố vấn về chuyên môn, kỹ thuật phát, truyền tải điện cộng với việc kinh doanh, phân phối mặt hàng này. Mỗi đơn vị của Công ty Điện lực 2 được tăng cường 1-2 chuyên gia từ Sài Gòn rải hết các tỉnh miền đông, miền tây Nam Bộ. Riêng ông Thận làm cố vấn cho Nhà máy điện Thủ Đức.
Ông Thận cho biết ban đầu chủ trương của ban quân quản là phát điện liên tục, không để mất điện gây hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, lưới điện ở Sài Gòn duy trì liên tục khoảng 3-4 tháng thì lượng dầu diesel của chế độ cũ để lại bắt đầu cạn kiệt.
Tình thế này buộc ngành điện đưa ra chính sách tiết giảm tiêu thụ, cắt điện luân phiên một số khu vực. Tuy nhiên điện ở các quận trung tâm Sài Gòn như quận 1, 3, khu vực Chợ Lớn vẫn luôn đảm bảo. Nguồn điện ở các cơ sở sản xuất quan trọng vẫn được duy trì. Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng dần được khắc phục khi Việt Nam nhận được dầu từ Liên Xô viện trợ.
Giữ lại người chế độ cũ
“Công việc tiếp quản ngành điện ở Sài Gòn không gặp nhiều khó khăn. Trừ một số ít trí thức, quản lý cấp cao ngành điện của chế độ cũ bỏ ra nước ngoài thì hầu hết nhân viên, công nhân đều được giữ lại. Ai ở bộ phận nào ở lại điều hành, làm việc ở bộ phận đó. Lãnh đạo CĐV vẫn tiếp tục điều hành công việc dưới sự giám sát của ban quân quản. Còn anh em cố vấn chúng tôi trước đó ở ngoài bắc đã làm quen với thiết bị, cách vận hành ngành điện nên không bỡ ngỡ khi tiếp quản”, ông Thận nói.
Tuy vậy, theo ông Thận do mục đích phục vụ cho chiến tranh nên cơ sở điện lúc bấy giờ ở miền nam rất manh mún, không được đầu tư nhiều và chủ yếu tập trung ở Sài Gòn. Điều này cũng gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt, sản xuất ở miền Nam sau 30.4.1975.
Ngoài ra, những ngày đầu tiếp quản còn có biết bao chuyện phức tạp liên quan đến bảo vệ cơ sở vật chất của ngành điện. Chính nhờ tổ chức được các tổ tự vệ canh gác, ban quân quản phát hiện được một phụ nữ mang mìn vào định phá trạm Minh Phụng. Ngoài ra còn phát hiện một thợ xấu dùng nguyên liệu dỏm để sửa máy phát SACM ở Bà Quẹo với ý đồ phá hoại.
Cũng nhờ liên hệ chặt chẽ với lực lượng công an và nhờ sự phát hiện của công nhân, ban quân quản đã bắt gọn một gián điệp được cài lại ở nhà máy đèn Chợ Quán, rồi phá tan âm mưu phá hoại nhà máy điện Thủ Đức…
Đến tháng 8.1975, tình hình tiếp quản Sài Gòn đã đi vào quy củ. Lúc này Bộ Điện Than cử ông Lê Ba vào làm Tổng cục trưởng Tổng cục Điện lực (phụ trách ngành điện từ Quảng Trị vào đến Minh Hải) và liên tục tăng cường lực lượng cho ngành điện miền nam.
Lực lượng ngành điện của cách mạng đủ sức tiếp quản ngành điện nên lãnh đạo CĐV đã tiến hành bàn giao việc điều hành ngành điện cho ban quân quản.
Sau tháng 8.1975, Tổng cục Điện lực thành lập một ban gọi là nha kỹ thuật tập trung các quan chức CĐV về đó với vai trò cố vấn chuyên môn cho ngành điện.
Khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim
Theo ông Nguyễn Văn Thận, sau khi tình hình tiếp quản ngành điện ở miền nam dần đi vào ổn định, tháng 8.1975, Tổng cục Điện lực bắt đầu có kế hoạch sửa chữa, khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim.
“Việc khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim rất gian khổ vì việc sửa ở độ cao hơn 2.000 m nhưng ngày đêm anh em vẫn quyết tâm làm”, ông Thận nói. Sau 6 tháng sửa chữa, nhà máy thủy điện Đa Nhim được khôi phục cung cấp điện cho một số tỉnh lân cận và quan trọng là góp phần bảo đảm nguồn điện cho Sài Gòn khi đó còn chập chờn và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu diesel.
|
Công nhân sữa chữa đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn năm 1976
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
|
Đường ống thủy áp nhà máy thủy điện Đa Nhim bị hư hỏng trong chiến tranh
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
|
Sửa chữa máy biến thế tại nhà máy điện Chợ Quán
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
|
Các thành viên trong đoàn tiếp quản Tổng công ty Điện lực Việt Nam họp kỷ niệm 10 năm vào năm 1985
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
|
Ông Trần Vân và Nguyễn Văn Thận- hai người nằm trong nhóm tiếp quản ngành điện miền Nam sau ngày 30.4.1975 - Ảnh: Trung Hiếu
|
Bình luận (0)