|
Không phải là dân Sài Gòn chính gốc, nhưng những năm tháng ăn cơm bụi, ở nhà thuê, lang thang khắp phố phường đã gắn kết chàng trai Ninh Thuận Lê Hưng Trọng với mảnh đất phương Nam. Ấp ủ ý định thực hiện một dự án sách về quê hương thứ hai tận… 3 năm trước, nhưng tính cầu toàn của một kiến trúc sư với thương hiệu Trọng Lee không cho phép anh thực hiện ước mơ của mình một cách vội vàng.
|
“Ý tưởng về chuỗi sách thì có thể nói đây là một cái duyên xuất phát từ tình cảm mình dành cho Sài Gòn. Ban đầu, mình chỉ định làm sách, nhưng đến giờ thì dự án đã phát triển lớn hơn…”, Trọng chia sẻ.
Theo Trọng, chủ đề đầu tiên mà chuỗi sách đề cập là những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng tồn tại hàng thế kỷ qua của Sài Gòn, như: chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, UBND thành phố, Nhà hát Thành phố... Những dấu tích về sự phồn hoa của thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” được Trọng vẽ lại, thông qua nghệ thuật artline theo phong cách thần tiên và màu nước vốn là thế mạnh của anh.
Trọng nói rất ngộ nghĩnh là những nét vẽ đầu tiên anh thực hiện khi đang công tác tại… Hà Nội, rồi cứ thế, cảm hứng đến thì nét vẽ cùng những câu chuyện lại tuôn ra. Điểm nhấn trong cuốn sách còn nằm ở phần mục lục được thể hiện khá công phu theo dạng timeline (dòng thời gian) khi sắp xếp thứ tự các công trình theo thời gian ra đời.
Ngoài kiến trúc, những chủ đề tiếp theo về Sài Gòn mà sách có thể đề cập đến là phương tiện giao thông, ẩm thực… Trọng hào hứng: “Bên cạnh những bức vẽ, một số chi tiết, câu chuyện thú vị liên quan đến quá trình hình thành, phát triển và cảm xúc cá nhân dành cho những công trình đó cũng là một điểm mà mình ưng ý. Mình mong có thể mang một phần thân thuộc nào đó của Sài Gòn đến gần hơn với giới trẻ trong và ngoài nước, đến các du khách cũng như những người yêu mến nghệ thuật”.
Nguyễn Viết Tuấn, một thành viên của dự án Sài Gòn Xưa, cũng cho biết sách sẽ được thực hiện dưới hình thức song ngữ Anh - Việt với mục đích quảng bá đến bạn bè thế giới.
|
Tuấn chia sẻ: “Mục đích lợi nhuận khi thực hiện của sách chắc chắn là có và đó là điều tất yếu trong bất cứ dự án nào, nhưng chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề đó, vì mục đích lợi nhuận không phải dùng để trang trải cho cuộc sống của cả hai (Trọng và Tuấn - PV) mà là để trang trải cho các dự án tiếp theo. Cả hai đã thống nhất phần lợi nhuận của cuốn sách sẽ được chia đều cho việc hỗ trợ dự án và làm tiền đề cho công tác từ thiện sau này”.
Hiện tại Trọng bật mí rằng thời gian ra mắt dự án sẽ là vào giữa tháng 12, và mọi khâu chuẩn bị đang trong giai đoạn nước rút với sự hỗ trợ từ một nhà xuất bản có tiếng. Không chỉ dừng lại ở sách và triển lãm sách, Trọng còn mong muốn thực hiện các mẫu thiết kế đồ lưu niệm đúng “chất” Sài Gòn.
Trọng bộc bạch: “Điều này cũng xuất phát từ trải nghiệm bản thân khi vài lần đi du lịch thì mình thấy đồ lưu niệm ở nước ngoài làm rất tỉ mỉ và mang đặc trưng vùng đất đó. Trong khi ở nước mình, ai cũng thấy là đồ lưu niệm được bày bán ở Sài Gòn, Hà Nội… gần như không quá khác biệt.
Tại sao mình không nghĩ đến việc đầu tư vào những món đồ nho nhỏ này, khi nó là một phương thức quảng bá hình ảnh đất nước, du lịch rất hữu hiệu”.
Kim Nga
>> Bảo tồn dấu tích Sài Gòn xưa tại Thủ Thiêm: Đã nghiên cứu xã hội học toàn diện trước khi làm
>> Nguy cơ mất dấu tích Sài Gòn xưa
>> Khám phá Sài Gòn xưa
>> Sài Gòn xưa qua bưu ảnh
>> TP.HCM xem xét bảo tồn thương xá Tax
Bình luận (0)